You are here

Ai sẽ thề không phản bội quê hương?

Ảnh của tuankhanh

Sự kiện cả bộ máy hành chính Nhà nước và các nhà lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam lúng túng, phản ứng bất thường trong vụ nước Cộng hòa tự trị Vũng Áng lên tiếng gay gắt, vừa xác nhận việc họ hủy diệt hàng trăm cây số môi trường biển, vừa khẳng định quyền bằng giá trị thương mại của Vũng Áng, cho thấy quan điểm phản bội quê hương với tay vịn vào ngoại bang đang hình thành mạnh mẽ ở Việt Nam, lúc này, rõ ràng trong một lớp người.

Sự lúng túng trước một thảm trạng của môi trường thiên nhiên bị tàn phá và đời sống hàng triệu người dân Việt Nam từ đây đến nhiều năm nữa, bởi những người có trách nhiệm của Nhà nước đã bộc lộ một thái độ quái gỡ, loanh quanh chưa từng có. Cụ thể là các quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chính quyền Hà Tĩnh. Họ cứ nói tránh đi hiện trạng, nói không có kiểm soát, mà mục đích rõ là phục vụ cho giới chủ đang đầy tiền và quyền, dù sự diệt vong đang diễn ra trên đất nước mình.

Không phải chỉ lúc này, khu công nghiệp Vũng Áng mới bộc lộ một quyền hạn kỳ lạ. Nhiều năm nay, khu công nghiệp được hình thành như một pháo đài nội bất xuất, ngoại bất nhập với giá thuê đất ưu ái đến rẻ mạt, đã vậy, chính quyền Hà Tĩnh hành xử như một lãnh chúa, vượt qua luật pháp Việt Nam, cho Formosa thuê đất đến 70 năm, mà đến 15 năm không cần đóng tiền.

Vùng đất mà Formosa thuê, tính ra đến 33 triệu mét vuông – diện tích lớn như Macau – nhưng được chính quyền Hà Tĩnh cho thuê chỉ 80 đồng/mét vuông, theo hồ sơ bị tiết lộ vào năm 2009.

Mặc dù năm 2014, bị Nhà nước Việt Nam bác bỏ công văn số 1405069/CV-FHS của Formosa để xin xây dựng vùng kinh tế riêng, nhưng nước Cộng hòa tự trị Formosa vẫn hình thành trên lề lối quản lý của họ, với nhiều quy định nghiêm ngặt đến mức có quyền ngăn chận cả viên chức nhà nước đi vào khu vực của họ.

Dù làm ra của cải như thế nào, Formosa vẫn là người khách trên đất nước này. Khi giám đốc đối ngoại của Formosa, Chu Xuân Phàm lên tiếng thách thức mọi người về quyền tồn tại của KCN này, bất chấp hậu quả, thì mọi thứ đã đến ngưỡng báo động về sự suy đồi nhân cách của một thế hệ được đào tạo với đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Việc nhận thức hành động càn quấy về môi trường của Formosa, làm hại đến cả con người, cần phải được cân đong với ý thức tổ quốc, dân tộc, chứ không thể với độ dày của số tiền mà hệ thống này trao tay lợi riêng. Nhượng bộ hay đánh đổi quyền lợi tổ quốc bằng lợi riêng, tên gọi đó là bán nước, mà ông Phàm chỉ là một ví dụ trên đất nước này, lúc này.

Formosa không phải lần đầu bị phanh phui các bí ẩn của họ. Tháng 3/2016, Formosa từng bị tố cáo là đã âm thầm đưa hàng trăm tấn xả thải từ công trường Formosa đưa ra khu vực dân cư lân cận gây ô nhiễm môi trường. Dù tên gọi chủ đầu tư là Đài Loan nhưng nhiều nay, việc chuyển nhượng cổ phần cho ai vẫn là tuyệt mật, công nhân nào hở môi sẽ bị đuổi. Và nơi này cũng từng bị tố cáo là bí mật đưa vào Việt Nam một lượng công nhân Trung Quốc khổng lồ và không phép, được bao che bên trong.

Sự kiện chấn động quốc tế về chất thải độc vào môi trường của Formosa tại Việt Nam diễn ra gần một tháng, nhưng mọi thứ luân lý có vẻ bất lực trước kẻ ngang nhiên càn quấy. Hàng trăm ngàn trí thức xã hội chủ nghĩa, hàng ngàn các vị tiến sĩ và thậm chí cả một hệ thống Đoàn TNCS với hàng triệu người vẫn hớn hở, đều đặn giương khẩu hiệu yêu môi trường, hoàn toàn tê liệt. Sự im lặng không còn ý thức tự thân về dân tộc hay tổ quốc. Sự im lặng mang hình thái phản bội quê hương.

Bên cạnh hiện trạng đã rõ, có không ít những lời phát biểu vô trách nhiệm, có cả những kiểu “phản biện” để đánh lạc hướng dư luận, bất kể câu chuyện người thợ lặn của KCN nay đã chết với tình trạng nhiễm độc từ vùng biển có chất thải.

Cá tôm chết, con người chết, môi trường nhiễm độc vẫn không đủ sức khai sáng cho những kẻ mang lòng phản bội quê hương mình. Thậm chí quan chức Hà Tĩnh thì xui cứ tắm biển – ăn cá. Quan chức thanh tra thì ngỏ ý biển chết là có dịch, chứ không phải do chất thải. Sự bối rối và bất tín những người đang bám vào Formosa, được thể hiện rõ qua lời của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng “Nếu năng lực trong nước không đủ thì đề xuất hợp tác quốc tế. Khi đã xác định được đối tượng xả chất độc thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” .

Thật khó để đi đến sự thật và cất lên tiếng nói cho nhân dân mình, một khi trái tim của mình chỉ còn lại bóng tối. Không thể tin nỗi một thảm họa lớn lao như vậy mà rất ít người có trách nhiệm lên tiếng, hoặc có thì chỉ nói dối. Sự kiện Formosa chỉ là một phép thử nhỏ về con người, đất nước Việt Nam. Nếu một mai khi đất nước bị xâm lăng, sẽ có ai là người dám cất lời thề không phản bội quê hương?