You are here

Toàn cầu hóa (phần I: Bản chất, nội dung của Toàn cầu hóa)

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong thời gian vài ba chục năm trở lại đây, ở Việt Nam chúng ta xuất hiện thuật ngữ toàn cầu hóa. Mật độ xuất hiện thuật ngữ toàn cầu hóa ngày càng tăng theo thời gian. Sự giao lưu, giao thương của các quốc gia trên thế giới, và nhất là sự xuất hiện của hệ thống Internet toàn cầu càng làm nhu cầu tìm hiểu về vấn đề toàn cầu hóa tăng lên nhanh chóng. Đã có nhiều tác giả rất nổi tiếng trên thế giới khẳng định, thế giới hiện nay là thế giới phẳng, hàm ý là tiến trình toàn cầu hóa đã san phẳng các biên giới, các rào cản cho một sự thống nhất chung toàn thế giới, thế giới trở thành ngôi làng toàn cầu. Tuy nhiên, những xung đột quân sự gay gắt ở Trung Đông, Nga và Ucraina...và sự chia rẽ của Liên minh châu Âu đã phần nào làm giảm bớt sự lạc quan vào tiến trình toàn cầu hóa, tiến trình làm “phẳng” của thế giới.

     Vậy toàn cầu hóa là gì? vai trò và bản chất của toàn cầu hóa là gì? nội hàm và nội dung của toàn cầu hóa? con đường của toàn cầu hóa ra sao? đó là những câu hỏi rất cần thiết, để chúng ta tìm hiểu tiến trình vận động, liên kết của các quốc gia, cũng như của cả thế giới. Đã có rất nhiều sách báo viết về chủ đề toàn cầu hóa, các khía cạnh và cách tiếp cận khác nhau về toàn cầu hóa. Tuy nhiên, chưa có nhiều tài liệu có thể diễn giải một cách chính xác, ngắn gọn và đầy đủ về vấn đề phức tạp này.

     Toàn cầu hóa là tiến trình xây dựng không gian liên đới của con người hướng tới và hiện thực hóa những giá trị cao đẹp tự do, bình đẳng, bác ái trên phạm vi toàn cầu. Bản chất của toàn cầu hóa là sự mở rộng không gian tự do của con người trên toàn thế giới. Đây là tiến trình vĩ đại của loài người, là sự giao thoa giữa các nền văn hóa, sự kết nối và đan xen, hòa quyện của các tiến trình lớn của con người trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...Toàn cầu hóa cũng là điểm kết, đích đến của nhân loại, của xã hội loài người. Kết thúc tiến trình toàn cầu hóa, nhân loại bước sang một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong lịch sử tồn tại của mình.

     Đặc điểm của toàn cầu hóa

     Toàn cầu hóa trước hết là tiến trình lịch sử tự nhiên của nhân loại. Điều này có nghĩa rằng, loài người sẽ đi tới (hay sự phát triển của con người, của lịch sử sẽ dẫn tới) một không gian liên đới chung của nhân loại. Các biên giới quốc gia sẽ bị xóa bỏ, mọi khác biệt sẽ bị xóa bỏ, nhân loại chia sẻ những giá trị chung và không gian liên đới chung. Toàn bộ sự phát triển của lịch sử xã hội loài người là sự chuẩn bị, là những bước đi và những nấc thang cần thiết để con người tiến tới xây dựng một xã hội chung của mình. Động lực thúc đẩy toàn bộ tiến trình toàn cầu hóa chính là khát khao tự do của con người, khát khao mở rộng tự do của con người trên phạm vi toàn cầu.

     Thứ hai, về mặt nhận thức, tiến trình toàn cầu hóa chính là tiến trình xác lập những giá trị chung của nhân loại. Đó chính là những giá trị cốt lõi như tự do, bình đẳng, bác ái. Từ những giá trị chung này, con người sẽ xây dựng không gian liên đới để chia sẻ và hiện thực hóa tự do của con người trên phạm vi toàn thế giới. Song song với việc xác lập các giá trị chung, con người còn chấp nhận và thừa nhận sự khác nhau và khác biệt của con người với tư cách cá nhân và tập thể. Cá nhân - là sự khác nhau về chủng tộc, hình thức, tính cách…; tập thể - sự khác nhau giữa các sắc tộc, tôn giáo, vùng, địa phương và quốc gia.

     Thứ ba, toàn cầu hóa là tiến trình đan xen, hợp tác giữa các quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...đó là sự hợp tác trên rất nhiều nội dung từ tự phát đến tự giác. Ban đầu là sự giao thương về hàng hóa, về kinh tế, kỹ thuật sau đó là văn hóa, xã hội, cuối cùng là lĩnh vực chính trị, kết nối tự do. Bởi toàn cầu hóa kết nối giữa các  nền kinh tế có trình độ khác nhau, các nền văn hóa có sự khác biệt rất lớn, và các thể chế chính trị khác nhau nên tiến trình toàn cầu hóa là tiến trình đan xen vô cùng phức tạp và sự kết nối đó đi từ tự phát tới tự giác. Chỉ khi nào xác định được cốt lõi của toàn cầu hóa, có cách thức chung để xây dựng thể chế chính trị phù hợp với mọi quốc gia và toàn cầu thì tiến trình toàn cầu hóa chuyển sang tự giác và được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

     Những nội dung của toàn cầu hóa

     Toàn cầu hóa là sự kết hợp và cọ xát trên tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Sự đan xen và sự phức tạp, khúc khủy của tiến trình đôi khi che lấp các nội dung quan trọng. Đơn vị quan trọng cho sự hợp tác chính là các quốc gia. Tuy nhiên vì toàn cầu hóa bao hàm các lĩnh vực của đời sống con người nên vẫn có những lĩnh vực hợp tác và cọ xát bên ngoài biên giới các quốc gia, ví dụ vấn đề chủng tộc, hoặc tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng tựu trung lại, toàn cầu hóa bao gồm những nội dung quan trọng sau.

     1- Toàn cầu hóa về kinh tế - kỹ thuật. Đây là sự kết nối quan trọng, có tính chất mở đường cho toàn bộ tiến trình toàn cầu hóa. Sự kết nối về kinh tế - kỹ thuật có động cơ từ sự giao thương về hàng hóa, sự mở rộng thị trường và quan trọng nhất là động cơ về lợi nhuận. Mục tiêu hướng tới của sự kết nối kinh tế - kỹ thuật này chính là từng bước và cuối cùng xóa bỏ mọi rào cản để cho hàng hóa, nhân lực và tư bản (tiền, vốn) lưu thông tự do trên phạm vi toàn thế giới.

     2- Toàn cầu hóa về văn hóa, xã hội. Sự kết nối về văn hóa, xã hội chính là tiến trình hợp tác và cọ xát các giá trị văn hóa, tinh thần giữa các quốc gia, giữa các nền văn hóa, các nền văn minh. Tiến trình này sẽ xác lập các giá trị chung, cao đẹp mà nhân loại hướng tới, đồng thời cũng là quá trình để con người từng bước chấp nhận và thừa nhận sự khác biệt mang tính cá nhân, vùng miền cũng như quốc gia, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Đó cũng chính là quá trình giao lưu và học hỏi giữa các quốc gia, các nền văn hóa.

     3- Toàn cầu hóa về chính trị, hay sự kêt nối tự do. Đây là đích đến cao nhất của toàn cầu hóa, con người được tự do ở mọi nơi trên hành tinh này. Thực hiện được sự kết nối tự do này, tiến trình toàn cầu hóa mới thực sự thành công và nhân loại sẽ bước sang một thời đại mới. Tiến trình toàn cầu hóa về chính trị, kết nối tự do này chính là tiến trình xây dựng thể chế dân chủ toàn cầu, được tiến hành với sự đồng thuận của tất cả các quốc gia, trên một nền tảng giá trị chung cao đẹp của nhân loại và được xây dụng bằng cùng một cơ chế, cách thức. Tiến trình này đòi hỏi sự tự giác của các quốc gia và toàn thể nhân loại.

     Một nội dung quan trọng của tiến trình toàn cầu hóa, đó là toàn cầu hóa về ngôn ngữ, hay việc xác lập một ngôn ngữ chung cho toàn thế giới. Đây là một nội dung không lớn nhưng vô cùng quan trọng, bởi vì sự giao lưu, kết nối của con người sẽ hiệu quả gấp bội phần nếu loài người cùng nói chung một ngôn ngữ. Một gợi ý là tìm trong số các ngôn ngữ quốc tế (quốc tế ngữ) hiện nay, ngôn ngữ nào đáp ứng được tiêu chuẩn dễ nói, dễ viết và dễ học, được chỉnh sửa và hoàn thiện bởi các nhà ngôn ngữ học trên thế giới, dùng làm ngôn ngữ chung trên toàn cầu. Điều này sẽ làm tăng tốc và thúc đẩy toàn bộ tiến trình toàn cầu hóa trong tương lai./.

Hà nội, ngày 16/3/2016

N.V.B