You are here

Người tự ứng cử ĐBQH nên biết

Cứ năm năm một lần, ở Việt Nam lại định kỳ tiến hành bầu cử Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp. Đây là quá trình người dân thực hiện quyền lực chính trị của cá nhân mình để đưa ra quyết định lựa chọn ra các cá nhân thay mặt mình trong cơ quan quyền lực nhà nước.

Từ lâu nay ở Việt nam, các cuộc bầu cử Quốc hội chỉ là một việc làm mang tính hình thức trong cơ chế "Đảng cử, Dân bầu", khi mà người dân chỉ có quyền lựa chọn và bầu các đại biểu theo danh sách đã được Đảng duyệt sẵn. Vì thế, kết quả ai trúng, ai trượt thì người dân không mấy ai quan tâm. Việc các cá nhân tham gia tự ứng cử là một việc làm đáng hoan nghênh và cần được khuyến khích, vì nó sẽ đánh động dư luận xã hội, cũng như góp phần để các cử tri thức tỉnh trong việc thực hiện quyền lực chính trị của cá nhân mình, trong việc lựa chọn các đại biểu thay mặt mình ở trong các cơ quan quyền lực nhà nước. Đây cũng là một giải pháp cần thiết để phá vỡ cái cơ chế "Đảng cử, Dân bầu".

Chính quyền không khuyến khích tự ứng cử

Trong điều kiện thể chế chính trị độc đảng lãnh đạo, nên số lượng ĐBQH hiện nay chủ yếu được bầu theo dự kiến và sự định hướng của lãnh đạo Đảng CSVN. Đây là lý do khiến phía chính quyền không khuyến khích các cá nhân tự ứng cử cũng như việc cử tri không được giới thiệu người mình tín nhiệm.

Quá trình hiệp thương là một thứ rào cản nhằm ngăn chặn những trường hợp cá nhân tự ứng cử, cho dù pháp luật hiện nay có quy định cho người tự ứng cử. Việc những văn bản pháp luật quy định về việc đề cử và tự ứng cử còn tùy tiện, chưa được quy định chặt chẽ, cộng với việc thể chế và tâm lý xã hội vẫn chưa thật sự cởi mở cho các cá nhân tự ứng cử. Đây là một hạn chế, đồng thời cũng làm thu hẹp khả năng tự ứng cử cũng như sự lựa chọn của cử tri, đồng thời đã khiến những người tự ứng cử nghĩ đơn giản rằng mình có đủ điều kiện làm ĐBQH được.

Do cơ chế "Đảng cử, Dân bầu" nên các đại biểu trúng cử là do định hướng và cơ cấu sắp sẵn chứ không phải vì năng lực và chương trình hành động của họ được thể hiện qua vận động tranh cử. Đó là lý do vì sao, trong các cuộc bầu cử ở Việt nam, việc vận động tranh cử đã không được coi trọng và quan tâm đúng mức. 

Đừng nôn nóng

Xác suất cho khả năng trúng cử ĐBQH của các ứng cử viên tự do là rất thấp là điều ai cũng biết, cho dù các quan chức chính quyền luôn khẳng định sự bình đẳng giữa những người tự ứng cử, cùng với những người ứng cử được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu. Cần phải hiểu ngoài mặt thì họ nói vậy, nhưng phía chính quyền có thừa các lý do để loại bỏ những người tự ứng cử ra khỏi cuộc chơi. 

Những khó khăn của người tự ứng cử hiện nay mới chỉ ở mức: không được thuận tiện trong việc xác minh lý lịch cá nhân; bị đại diện chính quyền phê thêm các nhận xét gây bất lợi; bị các tổ chức và cá nhân sử dụng các phương tiện truyền thông để bôi nhọ. Việc trang Petrotime online của nhà nước có hành động phỉ báng công khai đối với các ứng viên độc lập mới là trường hợp khởi đầu cho việc gây khó khăn của chính quyền đối với người tự ứng cử, trước khi bước vào một giai đoạn quyết liệt hơn. Đó là ba vòng hiệp thương để giới thiệu danh sách ứng cử, mà thực chất là một màn đấu tố "đẫm máu" và kết quả là tên tuổi của những người tự ứng cử sẽ biến mất lúc nào không rõ.

Trong một môi trường mà chuyện chính trị là thứ độc quyền của một nhóm người, khi mà tâm lý xã hội vẫn chưa thật sự cởi mở cho các cá nhân tự ứng cử. Ở đó người ta coi hành động tự ứng cử là chuyện chơi trội, vì thích nổi tiếng v.v... Vì vậy, đòi hỏi những người tự ứng cử cần có sự kiên nhẫn và thể hiện bản lĩnh trước áp lực cũng như các đòn tấn công ác ý của dư luận. Do vậy, những người tự ứng cử nên coi sự tự ứng cử ĐBQH là một việc làm hết sức bình thường đã được pháp luật bảo hộ, không việc gì cần la lối phải ầm ỹ. Bởi vì trước mắt mỗi người, là trách nhiệm của một ĐBQH đối với cử tri là hết sức nặng nề và sẽ gặp muôn vàn khó khăn nếu so với việc đăng ký ứng cử ĐBQH. Một khi những người tự ứng cử không tự giải quyết được việc cho mình được, thì sẽ hy vọng giúp được ai? Hơn nữa, mình càng tỏ ra nôn nóng bao nhiêu thì đối phương sẽ biết là mình đang ở thế bị động và lúng túng.

Trong các kỳ bầu cử ở những xã hội dân chủ cởi mở cũng xảy ra các tình trạng soi mói tương tự. Và theo LS. Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết rằng : "Ở các nước ngoài, nếu anh ra ứng cử không đủ 5% số phiếu thì cuộc bầu cử đó tốn mấy trăm triệu anh phải đền. Còn nếu anh đạt 5% số phiếu của cử tri trở lên thì không vấn đề gì. Do đó, người tự ứng cử phải có sự lựa chọn cho hợp lý.". Qua đó để tự động viên mình rằng, những người tự ứng cử ĐBQH ở Việt nam là may mắn lắm rồi.

Phải hướng tới cử tri

Theo TS. Nguyễn Quang A cho rằng: "Do những người tự ứng cử thường gặp khó khăn trong quá trình hiệp thương và tại hội nghị cử tri (họ dễ bị loại bỏ, thậm chí bị “đấu tố” một cách bất công) nên việc lấy chữ ký ủng hộ của cử tri trên cả nước là điều hoàn toàn hợp pháp và giúp giảm sự lạm dụng và đối xử bất công đối với họ. ". Đây cũng là thước đo mức độ tín nhiệm của người tự ứng cử, vì thế những người tự ứng cử phải tự dũng cảm để đối mặt với thách thức này trước khi đăng ký ứng cử ĐBQH.

Người tham gia tự ứng cử ĐBQH trước hết phải là những người có ý thức thượng tôn pháp luật, phải xác định đây là chuyện nghiêm túc, để tránh tình trạng tham gia ứng cử với tâm lý để “thử ” hoặc là tham gia “cho vui”. Những người tự ứng cử phải là người có trình độ, có đạo đức, có uy tín, được đông đảo cử tri tín nhiệm và phải có khả năng tài chính. Nên xác định việc quyết định ra tự ứng cử là sự đặt cược danh dự và uy tín của mình, vì không được lựa chọn làm ứng cử viên, hay không trúng cử hoặc được số phiếu bầu quá thấp là tự mình đánh mất danh dự và uy tín của cá nhân mình.

Lá phiếu bầu cử ĐBQH là sự lựa chọn của cử tri, do đó vấn đề quan trọng hơn cả của những người tự ứng cử là uy tín của họ đối với cử tri ở khu vực mình tự ứng cử, là những người lựa chọn họ. Hầu như những người tự ứng cử đang quên đi rằng, lực lượng cử tri là đối tượng duy nhất họ cần hướng tới, để từ đó có các cương lĩnh tranh cử hợp lòng cử tri. Đây là yếu tố thúc đẩy cử tri lựa chọn và bỏ phiếu cho mình. Một thực trạng đáng ngại là, đa số những người tự ứng cử xuất thân từ những nhà hoạt động dân chủ không hiểu được điều đó, nên dẫn đến tình trạng các cương lĩnh tranh cử của họ đề cập tới những vấn đề vĩ mô, thuộc về các tổ chức chính trị. Trên thực tế cho thấy, với các cương lĩnh tranh cử như vậy thì việc cử tri không lựa chọn họ là việc đương nhiên, chứ chưa cần nhắc đến lý do vấn đề nhạy cảm.

Ví dụ Cương lĩnh ứng cử ĐBQH của nhà báo Phạm Thành với tiêu chí "Dốc lòng, dốc sức, nguyện phấn đấu đến cùng cho một nền dân chủ thực sự hiện diện ở Việt Nam. Chế độ độc tôn do cộng sản cầm quyền phải bị xóa bỏ.". Điều này là trái với Điều 3 của Luật Bầu cử quy định người ứng cử đại biểu Quốc hội “phải đáp ứng các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội. Đây là điều người ứng cử ĐBQH không được phép mắc phải.

Kết

Ít ai biết rằng, phong trào tự ứng cử ĐBQH trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 khá rầm rộ, ngoài những nhân vật đấu tranh có tên tuổi thì cũng còn có nhiều người khác nữa xuất hiện trên mạng xã hội cũng tham gia tự ứng cử. Dù rằng họ không được truyền thông quan tâm tới để giới thiệu và phổ biến các tiêu chí tranh cử ĐBQH của họ. Tuy vậy, thông qua cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên này cho thấy, họ tỏ ra hiểu biết về quyền lực của cử tri, vì thế các chính sách của họ đưa ra mang tính "dân túy" có khả năng cuốn hút và lôi kéo.

Suy nghĩ của một số người tự ứng cử ĐBQH khi cho rằng, việc tham gia tự ứng cử chỉ có được, mà không có mất và chẳng được cũng chẳng sao, điều này có lẽ đã tạo cho họ một sự dễ dãi trong suy nghĩ, đồng thời cho thấy lỗ hổng trong kiến thức chính trị và pháp luật của họ. Nguyên nhân là do họ ra ứng cử dưới vai trò của một cá nhân, nên thiếu sự bài bản của một tổ chức chính trị phải có trong một cuộc tranh cử ghế đại biểu nhân dân.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp được cho những người tự ứng cử ĐBQH cái nhìn mới hơn trong công việc của họ tại thời điểm hiện tại cũng như tương lai.

Ngày 04/03/2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.