You are here

Xung quanh việc Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cổ súy cho kinh tế thị trường

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HC)

1.Tại Hội nghị giao ban Hiệp hội và doanh nghiệp khu vực miền Trung do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đã có những phát biểu rất đáng chú ý. Ông nhiệt tình cổ súy cho nền kinh tế thị trường. Tại sao phải xây dựng nền kinh tế thị trường, chứ không phải là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN như Hiến pháp đã ghi? 

Ông đặt câu hỏi: “Vậy thì cái gì kìm hãm sự phát triển của chúng ta? Vấn đề quan trọng là thể chế kinh tế và chúng ta rất cần sự đột phá trên lĩnh vực này”. Và ông khẳng định, cẩn phải xây dựng nền kinh tế thị trường.

Ông Lộc dứt khoát: “Phải xây dựng một nền kinh tế thị trường tuân thủ những nguyên tắc của kinh tế thị trường. Việt Nam không thể bịa ra, đẻ ra những nguyên lý của kinh tế thị trường mà phải tuân thủ nguyên tắc của nó!”.

“Táo tợn” hơn, ông còn phủ nhận chức năng kinh tế của Nhà nước. Ông cho rằng Nhà nước không làm kinh doanh vì nếu Nhà nước làm kinh doanh chỉ dẫn đến thua lỗ. Nhà nước chỉ kiến tạo, đặt ra thể chế, tạo sân chơi, luật chơi và làm trọng tài. Ông không chấp nhận vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước:“Nếu nói kinh tế nhà nước giữ vai trò động lực là sai. Đó là nguyên tắc của kinh tế thị trường!”

Dù không nói thẳng ra, nhưng qua phát biểu của ông, ta thấy rõ ràng là ông bác bỏ thẳng thừng cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Hoan nghênh phát biểu của Ts Vũ Tiến Lộc. Trong số cổ vũ cho kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là không có người đồng tình với ông nhưng họ vẫn luẩn quẩn trong cơn khủng hoảng về lý luận chứ không dám dứt khoát như ông. Họ sợ mất lập trường, sợ không kiên định với mục tiêu xây dựng CNXH.

2.Ý kiến của Ts Vũ Tiến Lộc đúng cả về lý luận và thực tiễn. Nếu chỉ như vậy thôi thì chẳng có gì để nói, ngoài sự đồng tình, tấm tắc khen ông dám nói ra những điều mà người ta e ngại. Chỉ tiếc rằng, ông lại đem ông Hồ Chí Minh ra để che chắn cho quan điểm của ông. Không khỏi bàng hoàng khi ông cho rằng, 90 năm trước, HCM đã định hướng nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế thị trường. Ông “phát hiện” ra:“90 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế nhiều thành phần”. Từ đó ông phán bừa: “Mà nền kinh tế nhiều thành phần có nghĩa là nền kinh tế thị trường!”

Ơ hay, sao ông lại cho rằng, nền kinh tế cứ nhiều thành phần thì có nghĩa đó là nền kinh tế thị trường!?

Sáu mươi năm nay, từ sau Hiệp định Genève, Việt Nam chưa bao giờ có nền kinh tế thị trường. Ngay cả nền kinh tế bây giờ cũng giống như con dơi, nửa chim nửa thú. Các nghị quyết của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) liên quan đến việc xác định hình thái kinh tế, kể cả trong giai đoạn còn cơ chế bao cấp đều chấp nhận có nhiều thành phần kinh tế, như kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể , kinh tế tư nhân nhưng ai đã gọi đó là nền kinh tế thị trường. Trong thời kỳ bao cấp, đó là một nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu. Khái niệm cơ chế thị trường chỉ được đặt ra vào thời kỳ Đại hội lần thứ 6 của đảng CSVN (1986).

Ngay cả chính sách kinh tế mới của Lê Nin cho phép một số thành phần kinh tế tồn tại nhưng cũng không thể vì thế mà suy ra đó là nền kinh tế thị trường. Sau này, về cơ bản, các nước XHCN đều theo mô hình kinhh tế kế hoạch hóa của Stalin. Đừng vì ông HCM nói đến nền kinh tế nhiều thành phần mà đã vội cho rằng ông định hướng cho nền kinh tế VN sau này phải là nền kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, qui luật giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Sản xuất phải căn cứ vào nhu cầu của xã hội để xác định số lượng sản phẩm làm ra và căn cứ vào hao phí lao động xã hội cần thiết để xác định giá thành cho phép của sản phẩm. Nếu giá thành bằng hoặc dưới hao phí lao động xã hội cần thiết thì tồn tại, ngược lại sẽ phá sản.

Ngay từ 1954, khi đã kiểm soát được nửa nước, đảng CSVN chủ trương xây dựng CNXH ở Miền Bắc và giai đoạn khởi đầu được coi là thời kỳ quá độ tiến lên CNXH. Câu hỏi đặt ra là, nếu ông HCM đã xác định nền kinh tế VN phải là nền kinh tế thị trường thì tại sao nền kinh tế khi ấy lại là nền kinh tế kế hoạch hóa, lấy kinh tế nhà nước làm vai trò chủ đạo để rồi đẩy đất nước “đứng bên bờ vực thẳm” vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước? Với vai trò là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, chẳng lẽ ông bất lực nhìn các đồng chí của ông làm trái ngược với tư tưởng chỉ đạo của ông? Ông là người đưa đường chỉ lối cho cách mạng VN cơ mà? Rõ ràng, ông và đảng CSVN khi ấy đã chấp nhận mô hình kinh tế kế hoạch hóa của Liên Xô một cách tự nguyện mà không hề hoài nghi, coi đó là mô hình duy nhất đúng.

Ngoài ra, có thể nói thêm, ông HCM còn rất say mê với kinh tế tập thể. Còn nhớ năm 1969, khi sức khỏe của ông đã kém lắm rồi, người ta phải soạn gấp “Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp bậc cao” để ông yên lòng. Ông thường gọi điện hỏi Điều lệ đã soạn đến đâu rồi. Cuối cùng, Điều lệ được ban hành ngày 1/5/1969. Theo yêu cầu của ông, Điều lệ còn được soạn thành diễn ca cho dễ thuộc, dễ hiểu, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hẳn nhiều người còn nhớ:

Nhớ câu hợp tác là nhà

Xã viên tất cả ta là chủ nhân

Tình tính tang, tang tính tình…

Vậy xin hỏi ông Lộc việc đưa nông dân vào Hợp tác xã có phải là xuất phát từ chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường không?

Đi xa hơn nữa, ông Vũ Tiến Lộc phán liều rằng: “Bác Hồ gắn với doanh nhân, tức là gắn với kinh tế thị trường”. Rồi: “Bác gắn với người Mỹ, trích bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ, tức là Bác hội nhập và tiếp thu những tinh hoa của nhân loại”.

Để minh chứng cho điều này, ông dẫn chuyện sau Cách mạng tháng Tám, ông HCM về Hà Nội, ở tại số nhà 48 Hàng Ngang của ông Trịnh Văn Bô – một tư sản dân tộc. Ở đây ông viết bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước VNDCCH.

Ông Lộc còn dẫn ra: “Những người Mỹ là người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày chuẩn bị Quốc khánh 2/9”.

Phải chăng, cứ ở nhà doanh nhân mấy hôm thì có đầu óc kinh tế thị trường, cứ đứng cạnh một ông Mỹ nào đó có nghĩa là “chấp nhận những giá trị của phương Tây”, cứ trích tuyên ngôn của Mỹ, Pháp là "chấp nhận luật pháp của phương Tây vào luật pháp Việt Nam"?

Chưa dừng ở đó, ông Vũ Tiến Lộc còn nâng ông Hồ lên tới mức siêu đẳng, coi các giá trị văn minh Phương Tây chẳng là cái “đinh” gì. Ông kể, ông nói với các chuyên gia Mỹ: “Các vị thử xem, lý thuyết kinh tế thị trường các vị đang làm hiện nay có khác gì với tư tưởng Hồ Chí Minh hay không? Chả khác gì cả. Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác!”

TS Vũ Tiến Lộc còn dẫn ra nhiều ví dụ khác về ông HCM với doanh nhân. Có thể những lời nói, đoạn viết, một vài việc làm (như ở nhà tư sản, đứng cạnh người Mỹ) nằm trong sách lược khi cần huy động sức người sức của cho kháng chiến, tranh thủ các cường quốc, chứ một vài dẫn chứng như thế làm sao đủ để kết luận rằng, vấn đề cần phải xây dựng nền kinh tế thị trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ rất lâu rồi, chỉ có điều là nửa thế kỷ qua, chúng ta không làm theo mà thôi. Ông Lộc cho rằng đổi mới kinh tế ở Việt Nam là “trở lại với tư tưởng của Bác Hồ”. Kinh tế thị trường là một vấn đề nghiêm túc, không thể tán ra từ một vài câu chữ như người ta tán thơ được.  Trong Truyện Kiều, có người căn cứ vào câu "Đầu lòng hai ả tố nga" rồi nói rằng, Thúy Kiều, Thúy Vân là hai chị em sinh đôi. Nhưng đó chỉ là tếu táo cho vui mà thôi.

3.Tại Hội nghị, Ts Vũ Tiến Lộc đặt ra vấn đề rất đúng là cần phải xây dựng một nền kinh tế thị trường. Đáng tiếc là có vẻ như ông lo khó thuyết phục hoặc động chạm đến vấn đề nhạy cảm nên ông phải kéo ông HCM về làm đồng minh cho đủ thiêng đối với những điều ông vừa nói. Vì vậy, gán ghép cho ông những tư tưởng này tư tưởng nọ nó trở thành khiên cưỡng. Ông HCM là một nhân vật lịch sử, có ảnh hưởng rất lớn đến số phận của dân tộc Việt Nam nhưng ông đâu có phải là thánh mà cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết và không bao giờ mắc sai lầm. Xin đừng tuyệt đối hóa ông như thế. Giá như Ts Vũ Tiến Lộc dẫn dắt vấn đề bằng lý luận khoa học, bằng thực tiễn để khẳng định quan điểm của ông, đừng mang “Bác” ra làm chỗ dựa, chắc chắn sẽ thuyết phục hơn.

 

15/9/201

NTT

 

Liên quan: 

"90 năm trước, Bác Hồ đã định hướng nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường" infonet