You are here

VUI CHUYỆN QUÊ NHÀ 20: ĐIỂM SON NGẬM NGÙI (Quốc Thạch ghi nhận)

Ký giả Anh Thư của báo mạng VNEXPRESS vừa có bài kể câu chuyện ai oán của ba anh em trai Lợi, Kiên và Tình ở Hà Đông, Hà nội. Họ bị cáo buộc một tội mà họ không phạm, bị bắt, bị kết án, chống án, bị y án và bị giam trong ngục 10 năm trời, nhưng sau cùng đã đựơc “đèn trời soi xét,” và đựơc phóng thích. Kết cấu của câu chuyện này đúng là tiền hung hậu kiết, chỉ có điều phần ‘tiền’ dài quá, lâu quá, kéo dài suốt 10 năm đẹp nhất trong đời mỗi người, là từ 20 đến 30 tuổi.
Bài báo cho hay là năm ngoái, tức là chín năm sau khi các tòa sơ thẩm và phúc thẩm ra án lệnh bỏ tù ba anh em tổng cộng 41 năm, thì câu chuyện đến tai chủ tịch nứơc Nguyễn Minh Triết. Ông yêu cầu viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại vụ án, thì mới khám phá ra rằng “Quá trình điều tra và xét xử đã có những thiếu sót" và "Cơ quan điều tra đã thiếu khách quan, không đầy đủ và không triệt để, nhiều chứng cứ gỡ tội chưa được xác minh làm rõ. Công tác điều tra có nhiều vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự. Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã căn cứ vào các tài liệu điều tra thiếu tính khách quan để kết tội các bị cáo...," theo lời phó viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thế, đựơc VNEXPRESS trích dẫn.
http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2010/05/3BA1B6C5/
Điểm son thứ nhất trong câu chuyện ly kỳ này phải đựơc dành cho một con người nhân ái và nghĩa khí- “giữa đừơng thấy chuyện bất bằng chẳng tha” – là bác sĩ Phạm Thị Hồng, thụôc khoa phục hồi chức năng, bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Trả lời phóng viên VNEXPRESS, bà cho biết "Suốt hơn một năm trời ròng rã, tôi bỏ cả việc để đi tới 36 cơ quan tìm lại công lý cho 3 thanh niên này…” Ai dám nói rằng xã hội Việt Nam ngày nay gồm toàn những con người vô cảm?
Điểm son thứ hai xin đựơc dành cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao (VKSNDTC) vì đã thẳng thắn nhận khuyết điểm của cơ quan điều tra và tố tụng. Tuy nhiên điểm son này phải đựơc gọi là một điểm son ngậm ngùi vì lẽ:
Thứ nhất, VKSNDTC đã chỉ bắt tay vào việc rà soát sau khi có yêu cầu của chủ tịch nứơc. Để câu chuyện tới tay chủ tịch nứơc, ba thanh niên vô tội đã mất 30 năm tươi đẹp nhất cuộc đời của mình. Họ đã viết mỗi tháng một, hai lá đơn khiếu nại trình bày hoàn cảnh oan sai, tức là đã viết trên hai trăm lá đơn, mà tất cả đều rơi vào hư không.
Bác sĩ Phạm Thị Hồng khi biết chắc những người này vô tội đã bỏ ra một năm trời đến 36 cơ quan để kêu oan hộ, nhưng chỉ nhận được câu trả lời rất vô cảm rằng toà không xử sai! Làm sao không ngậm ngùi cho được?
Thứ hai, khi lần theo câu chuyện, thấy cung cách làm việc của các cơ quan chức năng, lại càng thêm ngậm ngùi: Đầu tiên là cơ quan điều tra đã ép cung và tuỳ tiện kết tội đến nỗi những người bị bắt chỉ sau 20 ngày đành phải “nhận tội” dù “không biết gì để mà nhận.” Trong cuốn phim nổi tiếng “Cuộc đời của những người khác” kể chuyện về công an ở Đông Đức, khi một người bị bắt được hỏi là có biết tội gì không, và nói là không biết, thì người công an thẩm vấn tuyên bố, “riêng cái việc anh cho rằng công an vô cớ bắt anh thì đã là tội rồi!” Với cách khủng bố tinh thần ấy, thêm một vài thủ thuật “nghiệp vụ”nữa, thì người bị bắt sẽ gần như không còn cách nào khác hơn là ký nhận điều mà công an muốn họ nhận thôi. Thật là hết ý! Ai nói rằng chuyện ở phương Tây không giống chuyện ở phương Đông, nhất là khi đều là “anh em” cả?
Kế đến là cơ quan xử án sơ thẩm và phúc thẩm. Họ tự nhận là đầy tớ của nhân dân mà sao coi nhẹ nhân phẩm, danh dự và đời sống của người dân đến thế? Có thể là vì nhận thức có giới hạn, nói trắng ra là dốt nát, nhưng ít ra cũng phải cẩn trọng chứ? Dốt nát cộng với cẩu thả thì là gì ở cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm? Và tại sao những con người như thế đựơc ngồi ở chỗ mà mỗi lời phán ra có thể làm tan nát cuộc đời của một con người hay cả một gia đình? Giữa ‘hồng’ và ‘chuyên,’ thì rõ là không ‘chuyên’ rồi, vậy thì có phải nhờ ở chỗ ‘hồng’ không?
Sau nữa là luật sư. Không biết phiên toà có luật sư hay không. Không thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên, nhưng nếu có thì vị luật sư này chắc cũng cùng một nơi xuất thân như các vị thẩm phán thôi.
Hỏi làm sao không ngậm ngùi?
Câu hỏi cuối: Liệu có bao nhiêu trường hợp như thế còn đang oằn mình trong ngục tối?