You are here

Trước Giờ Vẫn Vậy Mà

Ảnh của tuongnangtien

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

"Có  lẽ  trên  thế giới này không  có nước nào đối xử  với  tù  binh  Mỹ  tốt  như  ở  Việt  Nam."
Trần Trọng Duyệt – cựu trại trưởng tù binh  Hoả Lò

Khi được phóng viên báo Tiền Phong hỏi về sự khác biệt trong “tư duy lễ hội của người Việt và nước ngoàiông Lê Trần Bạt cho hay:
 
“Tôi đã đến lễ hội rượu nho ở xung quanh lưu vực sông Đa-nuyp, ở nước Áo, nước Đức, và một số nước khác. Lễ hội ấy nước nào cũng có, nhưng nó diễn ra khác nhau ở nhiều quốc gia.
 
Ví dụ ở Áo, anh có thể nếm thoải mái tất cả các loại rượu, từ rượu bằng các loại quả nho đến rượu bằng các loại hạt nho. Tôi nghĩ rằng các hình thức như vậy nó tạo ra sự đa dạng, và sự đa dạng nào cũng là đặc trưng của văn hóa.
Không phải tất cả các lễ hội của người ta đều gắn liền với vui chơi mà nó gắn liền với sản xuất và bán hàng. Chúng ta càng làm cho lễ hội gắn liền với đời sống kinh tế bao nhiêu thì chất lượng hợp lý của hiện tượng ấy càng tốt bấy nhiêu. Có lẽ nên phát triển văn hóa Việt Nam theo khuynh hướng như thế.”
 
Cái “khuynh hướng làm cho lễ hội gắn liền với đời sống kinh tế” mà ông Lê Trần Bạt mong muốn (e) còn phải đợi hơi lâu. Với truyền thống của một dân tộc đã từng đánh bại ba đế quốc to nên lễ hội của người Việt “chủ yếu” chỉ là để hân hoan chào mừng thắng lợi.
 
Tháng Tư vừa qua phố xá cờ xí rợp trời, với không khí vẫn (còn) hừng hực khí thế của Đại Thắng Mùa Xuân. Qua tháng Năm này thì cả nước lại đang tưng bừng kỷ niệm Chiến Thắng Điện Biên – không chỉ riêng Điện Biên ở Lai Châu mà còn thêm luôn “trận Điện Biên” ở (tuốt luốt) trên không nữa.
 
Trong bài viết (“Cuộc Sống Thường Ngày Của Tù Binh Mỹ Tại Hoả Lò Hơn Bốn Mươi Năm Trước”) hai nhà báo Đặng Vương Hưng- Nguyễn Văn tường thuật:
 
“Sau trận chiến lịch sử ấy, có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi (có 34 chiếc B52) và gần 100 phi công Mỹ bị chết và bị bắt. Và lại có thêm nhiều tù binh phi công Mỹ nhập trại Hỏa Lò, Hà Nội, nơi trước đó đang giam giữ hàng trăm phi công Mỹ.”
 
Bài báo thượng dẫn cũng trích dẫn lời của cựu đại tá trại trưởng, Trần Trọng Duyệt, về chính sách rộng lượng “vô biên” của Đảng và Nhà Nước đối với tù binh:
 
Ở Hỏa Lò hồi đó các tù binh Mỹ thường xuyên được tổ chức vui chơi giải trí. Hằng ngày, họ được ra sân phơi nắng, chơi bóng chuyền, bóng rổ, chọc bi-a, đọc  sách báo, nghe tin tức kể cả tin tức của Mỹ và phương Tây qua đài phát thanh mà trại tiếp âm, hoặc chọn những tù binh có giọng đọc tốt để đọc cho tất cả cùng nghe.
 
Để các tù binh có phương tiện chơi thể thao thường xuyên, trại phải nhờ đến sự giúp đỡ  của ông Tạ Đình Đề, người phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ của Tổng cục Thể dục thể thao. Thậm chí để giúp một số tù binh có bệnh về mắt có thể đọc được sách báo, Ban chỉ huy trại đã phải thửa khá nhiều cặp kính thuốc của bà Thúy Hà ở cửa hàng số 48 Hàng Bài.
 
Đặc biệt, trong các ngày lễ, ngày Tết của Mỹ như ngày Độc Lập, ngày Lễ Tạ Ơn, Noel, Tết Dương lịch ... tôn trọng tín ngưỡng của tù binh, trại còn cho mời cả mục sư Bùi Hoàng Thử đến làm lễ theo nghi thức tôn giáo cho số người theo đạo.
Thỉnh thoảng, trại cho mời các nghệ sĩ của đoàn văn công Tổng Cục Chính trị đến biểu diễn cho bộ đội và cho cả tù binh Mỹ cùng thưởng thức. Ông Duyệt còn nhớ một  lần nghệ sĩ Tường Vi đến hát bài  “Cô gái vót chông” và “Tiếng đàn ta lư”. Tới đoạn lên cao như tiếng chim hót “Pơ rô tốc... Pơ rô tốc...” Mặc dù không hiểu nghĩa cả bài hát, nhưng  tù binh Mỹ khoái  quá, vỗ tay rào rào, yêu cầu hát đi hát lại.
 
Đêm ấy, khi buổi văn nghệ đã tan từ lâu,  nhưng ở nhiều phòng giam, tù binh không chịu ngủ. Họ bàn tán đủ thứ chuyện về các ca sĩ Việt Nam, rồi còn bắt chước giọng Tường Vi hát “Pơ rô tốc... pơ rô tốc...” suốt đêm.
Để  thay  đổi  không  khí  cho  các  tù  binh  đã  phải  ở trong trại lâu ngày, được sự phối hợp giúp đỡ của Công an Hà Nội và An ninh Quân đội, Ban chỉ huy trại còn nhiều lần tổ  chức  cho  các  tù  binh đi  tham  quan một  số  di  tích  lịch  sử,  văn  hóa  và  danh  thắng  của  Thủ  đô  Hà  Nội  như:  Hồ Hoàn  Kiếm,  Công  viên  Lê  Nin,  Quốc  tử  giám,  chùa  Trấn  Quốc,  chùa Một  Cột,  Viện  Bảo  tàng Quân  đội  (nay  là  Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), bệnh viện Bạch Mai... Để  bảo đảm an toàn cho những “vị khách đặc biệt” này, ta đã cho  phép  các  tù  binh  ăn  mặc  như  khách  du  lịch:  Cũng comlê, cavát, giày đen v.v... và đi theo hướng dẫn viên.
Sao mà “ta” lại “chu đáo” với giặc dữ vậy, hả Trời? 

Bằng khen nữ dân quân bắt giặc lái Mỹ bằng liềm. Nguồn ảnh: giadinh.net
 
Mà Đại tá trại trưởng Trần Trọng Duyệt không có nói “xạo” đâu nha. Sự kiện trên cũng đã được “phụ hoạ” bởi một nhà văn uy tín (hàng đầu) của nhà nước CHXHCNVN:
 
Đêm Nôen năm nay chúng tôi lại vào Hỏa Lò chơi với giặc lái. Âu cũng thêm một phong tục thời chiến, Nôen thăm Tết tù binh. Thói quen người Mỹ, bữa ăn thịnh soạn nửa đêm có món thịt gà tây – như ta Tết ông táo cúng cá chép. Thời Pháp, Tây đem gà tây giống sang nhưng thỏ và gà tây vẫn chưa thành món quen như gà thiến, gà ta… Cũng không mấy ai nuôi gà tây. Con gà tây đốm đen, mào đỏ, người đến gần thì cau có, xõa cánh chĩa đuôi ra kêu cộ cộ. Thế mà những năm ấy, nhiều làng hai bên sông Đuống, hợp tác xã đã chuyển ruộng cho các xóm khác, để chuyên nuôi gà tây. Đến áp Nôen, hàng đoàn xe tải số biển đỏ của quân đội về lấy gà. Gà tây đem cho tù binh Mỹ ăn tết. (Tô Hoài. Cát Bụi Chân Ai. Hà Nội: Hội Nhà Văn, 1992).
 
Coi: có chừng vài trăm “giặc lái” bị giam ở Hoả Lò mà “nhiều làng hai bên sông Đuống ...chuyển ruộng cho các xóm khác, để chuyên nuôi gà tây” và “ áp Nôen, hàng đoàn xe tải số biển đỏ của quân đội về lấy gà. Gà tây đem cho tù binh Mỹ ăn tết.”
 
Ăn uống kiểu đó bội thực chắc chết, chết chắc, chớ sống gì nổi –  cha nội?
 
Cũng bị bắt giam, vào cùng  thời điểm này nhưng phần ăn của người tù Vũ Thư Hiên – so ra – có phần hơi ... đạm bạc:
“Có lần tôi vớ phải khúc sắn ôi trong suất cơm độn, nhựa sắn nhầy nhụa như tinh dịch. Tởm quá, giận quá, tôi quẳng nó xuống hầm trú ẩn. Thế rồi đêm đến, bụng quặn lên vì đói, chịu không nổi, tôi lại phải sờ soạng trong bóng tối tìm khúc sắn vứt đi, lấy miếng giẻ cũng chẳng sạch gì lau cái nhựa gớm ghiếc ấy đi mà nhai trệu trạo chút tinh bột lẫn đất cát. Nhai khúc sắn mà nước mắt ứa ra...” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày, 2nd edition. Văn Nghệ, Westminster, CA: 1997).
 
Kinh nghiệm ở Hoả Lò của người tù Bùi Ngọc Tấn cũng hoàn toàn khác: không có xem văn nghệ, văn gừng, chơi bóng truyền, bóng rổ, thọc bi-a, hay sách báo gì  ráo trọi. Đi tham quan chỗ này, chỗ nọ, tất nhiên, cũng không luôn – đừng nói chi đến cái vụ mặc complet đeo cravate nghe (sao) thấy kỳ quá hà:
 
“Hắn cởi truồng nằm trong xà lim, thiếp đi vì nóng. Và choàng tỉnh vì nóng. Người hầm hập. Mồ hôi toát ra. Hắn nhỏm dậy nhìn vết mồ hôi in thẫm trên những tấm ván lim thành hình một bộ xương người. Hắn ngắm nhìn bộ xương của hắn và nghĩ đến 1úc chết. Hắn lẩm bẩm một mình.
 
- Xương mình to thật.
 
Hẳn trở dậy. Phải tắm. Phải lau đi cái mồ hôi dính nham nháp khắo người. Phải làm dịu mình một chút. Không chỉ hầm hập, ngột ngạt xà lim. Còn cháy trong người. Còn lò lửa trong óc. Mình nghĩ đến cái bể nước nhà mình. Đến gáo nước đầy trong vắt múc lên giội từ vai hay đỉnh đầu trở xuống cho hạ nhiệt toàn thân. Thiên đường đấy.
 
Và mình sẻ nuởc uống trong bô ra cái ca nhôm nửa lít. Tiêu chuẩn nước tắm của mình: Nửa lít bớt ra từ khoản nước uống. Nhúng khăn mặt vào ca. Lau. Lau từ mặt xuống cổ. Lau từ cổ xuống ngực. Xuống bụng. Dấp nước khăn mặt, rồi khoanh tay đập, đập vã vào lưng. Rồi lau xuống bẹn, xuống chân, cho đến khi cái khăn mặt nóng lên vì vắt nước đi. Vắt vào cái nắp bô vệ sinh để ngừa cho khỏi bắn nước bẩn vào bô ra ngoài. Rồi mới nghiêng nắp cho nước chảy vào bô.
Cái thứ nước vắt ra ấy nâu nâu đen đen đặc nhơn nhớt. Bô đầy thì vắt nước lên tường xà lim cho nước vào tường. Cũng thấy người dễ chịu. Còn dễ chịu vì lúc tắm là lúc không để ý tới thời-gian-xà-lim. Nó qua đi mà chẳng tra tấn được mình như mọi lúc. Nhưng không bao giờ lâu đã lại hầm hập. Không thể tắm nữa. Còn phải dành nước đế uống...” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
 
Trời, sao mà Đảng lại khắt khe với đồng bào và đồng chí (đến từng giọt nước uống, đựng trong …bô) và hào phóng với kẻ thù dữ vậy cà?
 
Sao thì không biết nhưng dù gì thì chuyện cũng đã qua rồi. Nhắc lại chỉ thêm buồn thôi. Hơn nữa, oán thù nên cởi chứ không nên buộc. Và chuyện gì đã qua thì cho nó qua luôn đi.
 
Theo khuynh hướng và tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc hiện nay, do Đảng và Nhà Nước chủ xướng, nên thôi ráng quên đi quá khứ để nhìn vào hiện tại. Tôi thử vô Google, gõ đại năm chữ “bị đánh đập trong tù” thì thấy (trong vòng 0.14 giây) hiện ra 128.000 kết quả. Xin ghi lại vài ba, nơi trang đầu tiên, để rộng đường dư luận:
 
  Mục sư Nguyễn Công Chính thường xuyên bị đánh đập ...
www.rfa.org/.../reve-nc-chinh-is-beat-...‎
Radio Free Asia
  Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt – bị hành hạ – bị đánh đập trong tù ...
www.danchimviet.info/archives/.../08
  Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị đánh đập trong tù | CHÂU ...
  Nữ sinh Nguyễn Phương Uyên bị đánh đập trong tù
nhatbaovanhoa.com/.../nu-sinh-nguyen-phuong-uyen...‎
  Sức khỏe chị Hồ Thị Bích Khương đáng lo ngại | Phụ Nữ ...
vnwhr.net/.../suc-khoe-chi-ho-thi-bich-khuong-dang-l...‎
 
Và đây là bản tin mới nhất, đọc được vào hôm 30/04/2014, trên trang Dân Làm Báo:
 
“Các Tù nhân lương tâm đồng loạt tuyệt thực - Yêu cầu cán bộ trại giam thực hiện đúng trách nhiệm và tôn trọng quyền lợi của các tù nhân. Từ trại 5 Lam Sơn - Thanh Hóa, tù nhân lương tâm Đậu Văn Dương đã thực hiện chương trình tuyệt thực 7 ngày bắt đầu từ ngày 11/04/2014 đến ngày 17/04/2014 sau khi được trả lại số sách bị thu giữ trái pháp luật, anh Dương đã ngừng tuyệt thực và ăn trở lại. Hiện nay 2 tù nhân lương tâm Trần Hữu Đức và Trần Minh Nhật ở trại giam K3 - Phú Sơn 4, Tỉnh Thái Nguyên đã tuyệt thực từ thứ 6 ngày 18/04/2014 và nay vẫn đang tiếp tục.”

TNLT Đậu Văn Dương (trái); Trần Hữu Đức (giữa); Paul Minh Nhật (phải). Ảnh: Dân Làm Báo
 
Té ra “hèn với giặc và ác với dân” không phải là hiện tượng mới mẻ gì. Trước giờ vẫn vậy mà. Có mới chăng chỉ là chuyện bây giờ họ còn muốn ... nhận giặc làm cha thôi.