You are here

Sống và chết dưới thời CSXHCN

Một tù nhân lương tâm bị nhốt hơn nửa cuộc đời trong song sắt, đến khi ra tù, gọi là được trả tự do cũng là lúc người đó đối diện với cái chết, sự mù lòa và và nỗi đau cách biệt với thế giới bên ngoài quá lâu đã khiến người đó không thể nào hòa nhập.
Và có nhiều tù nhân lương tâm như thế tại Việt Nam, dưới thời CSXHCN, họ đã vào tù với thân thể cường tráng, tràn trề sinh lực nhưng họ trở về cuộc đời thì thân tàn ma dại, hầu như chẳng còn gì ngoài một tấm thân tiều tụy, đau đớn và cận kề cái chết.
Trương Văn Sương, Đinh Đăng Định, rồi đến Nguyễn Hữu Cầu, Bùi Thị Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải… Và rồi đây còn nhiều tù nhân nữa, họ là một ẩn số của chế độ.
Mà có lẽ cũng cần nói thêm rằng một khi bước vào nhà tù của chế độ CSVN, mặc dù không phải là tù nhân lương tâm, cơ hội bước ra một cách lành lặn e rằng quá hiếm. Một khi bước vào nhà tù, điều đó cũng đồng nghĩa với cái chết luôn rình rập, cận kề.
Có một điều là những ai thật sự sống, thật sự hiện hữu trong tâm thức bạn bè, trong những người cùng chí hướng thì sự sống của họ luôn bị đánh đổi bởi lòng quả cảm, tính kiên cường và sự vững vàng tư tưởng, trung thành, thủy chung với những gì đã lựa chọn.
Ngược lại, họ có thể được ra tù, được hưởng bổng lộc nếu như họ chọn con đường dễ dàng và có tính nhất thời: Chấp nhận thỏa hiệp và đi ngược với lựa chọn ban đầu.
Chuyện sống và chết dưới thời CSXHCN Việt Nam là một câu chuyện vừa khôi hài, vừa đầy nước mắt mà cũng có đôi khi chứa đầy máu. Nhưng chung qui, nó không còn là khái niệm siêu hình, cũng không cần phải luận đến tử thư Tây Tạng gì đó để phân tích. Đơn giản, chết và sống là hai thái độ lựa chọn cho cùng một mục tiêu: Làm Người!
Chuyện làm người thời bây giờ nghe ra cũng lắm cam go và cay đắng. Làm thế nào để làm người đúng nghĩa? Câu hỏi này chưa có hồi đáp dưới vòm trời CSXHCN này. Vì sao?
Vì mọi thứ được đặt ra như một cái bẫy. Ngay với một người dân chân lấm tay bùn, không quan tâm gì về chính trị, họ vẫn sống dưới một cái bẫy mà ở đó, một cách vô thức, họ thụ động trở thành Cộng sản trong lúc họ không hề hay biết.
Cái mà nhà nước Cộng sản đạt được sau gần bốn mươi năm thống trị cả hai miền và sau hơn bảy mươi năm thồng trị miền Bắc chính là quốc hóa Cộng sản, mọi ngóc ngách, mọi nếp nghĩ đều mang hơi hướm Cộng sản và bất kì một người dân nào cũng đều làm Cộng sản mặc dù về mặt ý chí, họ không ưa gì chế độ này.
Một ông bán phở sẵn sàng toa rập với công an khu vực để mua chuộc chỗ vỉa hè và đẩy những đồng nghiệp khác ra khỏi khu vực mà mình mua bán thuận lợi, một người nông dân sẵn sàng vâng dạ, cúi luồn một tay chủ tịch xã, thậm chí cúi luồn trước một tay thôn trưởng để được nhận phần cứu trợ sau lũ, một nhà văn, kẻ sĩ, kẻ cầm bút sẵn sàng cúi gập người trước quan quyền để được nhận khoản thù lao hoặc khoản tài trợ in ấn… Tất cả những thứ đó là gì nếu không gọi là Cộng sản?
Và nhà nước Cộng sản chỉ mong mỏi có chừng đó thôi, khi nào sự thỏa hiệp chan đều trên toàn cõi Việt Nam, lúc đó xem như chủ nghĩa Cộng sản đã có mặt khắp đất nước, khắp các gia đình. Và để có nó, họ đã nhiều lần đặt bẫy.
Cái bẫy đầu tiên chính là cái bẫy hợp tác xã, kinh tế tập trung bao cấp. Hàng triệu con người phải cật lực làm việc nhưng chỉ nhận được duy nhất là xếp hàng chầu chức miếng ăn nhà nước ban phát. Ngay cả giới trí thức cũng phải chầu chực bằng hình thức tem phiếu. Đất nước thành cái chuồng lợn và mỗi người dân ngóc miệng chờ cái ăn như những con lợn đói.
Tiếp đến, cái bẫy thứ hai là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc này, những kẻ “thập diện mai phục” trong thời tập trung bao cấp có cơ hội thừa nước đục thả câu, họ toa rập với đảng viên cao cấp và chính những đảng viên cao cấp bắt đầu hoành hành, tạo thành những tập đoàn tư bản đỏ ngồi trên đầu nhân dân. Người dân thấp cổ bé miệng chỉ có một cơ hội duy nhất để gọi là “vươn lên”, đó là tuân phục và làm theo sự hướng dẫn, sắp đặt của nhóm này.
Với hai cái bẫy này, người dân chỉ có một hướng đi duy nhất: Trở thành Cộng sản một cách thụ động và khốc liệt nhưng lại chẳng được hưởng tí quyền lợi, bổng lộc nào từ cái cơ chế ấy. Chung qui, quyền lợi vẫn thuộc về một nhóm đảng viên cao cấp ăn ở mâm trên cùng, sau đó những cục xương thừa ném xuống cho đám bên dưới. Và nhân dân mãi mãi ngồi ngóc cổ nhịn thèm.
Chính cái bầu khí quyển ám ngộn mùi Cộng sản này đã đẩy bất kì một người nào có nguyện vọng, khao khát bình thường nhất, đó là làm người, được tự do, sống trong dân chủ, tôn trọng nhau đều bị xem là cá biệt, bị đẩy ra ngoài lề xã hội và rất có thể bị ném đá tập thể.
Một tù nhân lương tâm sau khi về nhà, hầu như bạn bè, người thân trở nên xa lánh, và không chừng, nếu có đấu tố, người đó sẽ bị ngay một số người thân của mình ném đá. Vì vô tình, lý tưởng của người đó đụng chạm đến miếng ăn hằng ngày của họ. Vì đó là một thứ cơ chế đã được sắp đặt từ trứng nước. Muốn sống, muốn tồn tại thì phải chấp nhận độc tài và trở thành Cộng sản một cách thụ động, trở thành con tốt thí của chế độ.
Và, sự sống hay cái chết dưới thời Cộng sản, nghe ra rất buồn cười, có nhiều người vẫn cứ sống phây phây, nhà cao, cửa rộng, con đàn cháu đống ra đó nhưng trên thực tế, họ đã chết từ vài mươi năm trước và tất cả sự sinh sôi của họ chỉ mang tính biểu niệm về xác thối.
Ngược lại, có những cuộc đời đã chết từ lâu hoặc giả đời sống nằm bên kia song sắt, nhưng sự sống của họ vẫn cứ chói lòa một cách không cưỡng lại được. Họ càng đau, sinh mệnh của họ càng tỏa sáng. Đó là điểm khá đặc biệt của khái niệm Sống và Chết dưới thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa này!
Và càng về sau, nhất là trong những ngày gần đây, điều này càng thêm rõ nét.

Bài bình luận

Người VN sống trong chế độ cộng san muốn yên thân thi phải cam chiu số phận như ke tât nguyên ::đuí , câm va điêc