You are here

Những thứ vô lý của điều 258 là chuyện nhỏ

Lê Diễn Đức

Hàng ngàn người H'Mong biểu tình phản đối phiên toà hôm 18/3/2014

 
Điều 258 của Bộ Luật Hình Sự nói về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", như sau:
 
" - Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
 
- Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".
 
Phải khẳng định rằng điều 258 là một thứ luật quy kết mơ hồ. Trước hết nếu tồn tại "quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác", thì việc tự do tận dụng nó trong sinh hoạt xã hội là đương nhiên, không thể nói đến chuyện "lợi dụng". Đã tự do thì không thể có "lợi dụng".
 
Thậm chí nếu có người "lợi dụng" một cách chủ ý để làm tổn thương đến lợi ích của đối tượng khác, nếu không vu khống, thoá mạ, thì sự "lợi dụng" ấy cũng nằm trong khuôn khổ của "tự do". Không ai có thể có tội khi thể hiện chính kiến của mình hay thậm chí phê phán chính quyền, nếu tồn tại một cái gì đó được gọi là quyền tự do, dân chủ.
 
Là công dân, đã hết rồi thời buổi hô khẩu hiệu "chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của đảng và nhà nước". Bởi vì nhiều chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước rõ ràng sai trái, ví dụ, chính sách cải cách ruộng đất, chính sách hợp tác xã, chính sách cải tạo công thương ở miền Nam sau năm 1975, chính sách ngăn sông cấm chợ, chính sách giải toả thu hồi đất đai bất công, v.v... cần phải lên án để sửa chữa và hoàn thiện.
 
"Lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" cần phải được minh định rõ ràng, không thể xem xét theo cảm tính chủ quan. Nhân gian có câu người khen ta là kẻ thù của ta, người chê ta là bạn của ta, cho nên phản ảnh sự thật, phê phán, chỉ trích các chính sách của nhà nước, của cá nhân các lãnh đạo, nếu nói trên phương diện đạo đức, là điều hợp lý và tốt cho các đối tượng ấy.
 
Trong thời gian qua, nhắm vào điều 258, nhà nước cộng sản Việt Nam đã bắt giam và xử tù một số bloggers hết sức bất hợp lý.
 
Năm 2008 phóng viên Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên, đã bị bắt và kết án 3 năm tù về những bài viết liên quan đến những "bí mật" trong vụ đại án tham những PMU 18.
 
Năm 2010, blogger "Cô gái Đồ Long", tức nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, đã bị bắt giam ba tháng theo điều 258, vì bài viết về kiểu cách ăn chơi của con trai tướng công an Nguyễn Khánh Toàn trên trang blog "Cô Gái Đồ Long".
 
Đinh Nhật Uy, thậm chí không phải là một blogger, trong năm 2013 đã bị án 15 tháng tù treo vì đã lập tài khoản trang trên Facebook kêu gọi trả tự do cho anh ruột mình Đinh Nguyên Kha. Khó có thể cho rằng, những điều Nhật Uy viết đã vi phạm "lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", vì không biết cái "lợi ích" ở đây được hiểu như thế nào.
 
Hai trường hơp điển hình khác vừa qua là blogger Trương Duy Nhất bị xử hai năm tù giam và blogger Phạm Viết Đào bị xử tù 15 tháng tù giam. Họ không phải là những nhà tranh đấu dân chủ mà thuần tuý chỉ là những cây viết hiện thực phê phán độc lập. Những bài viết của họ về chính sách, chủ trương của nhà nước, những hoạt động của các vị lãnh đạo, thể hiện quan điểm chủ quan của cá nhân, của dư luận. Những nhận định của họ có ý muốn thúc đẩy sự thay đổi có lợi cho đất nước, họ là những tôi trung khảng khái, can đảm, nhưng không thuộc thành phần chống lại hệ thống.  
 
Ngày 14 tháng 3 năm 2014, tòa án huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã xử ông Hoàng Văn Sang 18 tháng tù giam.
 
Ngày 18 tháng 3 năm 2014, hàng ngàn đồng bào H'Mong từ 4 tỉnh phía Bắc đã kéo đến tòa án huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang để đòi trả tự do cho ông Thào Quán Mua, bị xét xử theo điều 258. Phiên tòa bị hoãn đến ngày 27 tháng 3 với lý do thẩm phán bị đau bụng.
 
Ngày 20 tháng 3 năm 2014 hai ông Lý văn Dinh và Dương Văn Tu bị xử tổng cộng 3 năm 2 tháng tù giam.
 
Bốn người nói trên đã bị bắt và xét xử là vì đã làm đơn kiến nghị tập thể gửi chính quyền các cấp đề nghị không đập phá nhà giữ đồ tang lễ của người H’Mong. Chính quyền cho rằng những người này xúi giục khiếu kiện tập thể.
 
Nghị định 38 ngày 18/03/2005 với nội dung cấm tập trung đông người do thủ tướng Phan Văn Khải ký. Tiếp theo thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành ngày 14/11/2006 nghị định số 136 cấm khiếu nại tập thể (nhiều người ký một đơn). Đây là những nghị định dưới luật hết sức ngu xuẩn, không phù hợp với tập quán và cách làm thực tế. Trên cùng một sự việc, nhiều công dân có chung mục đích và quyền lợi, họ có thể cùng ký tên kiến nghị, khiếu nại.
 
Áp dụng nghị định 38, 136, chính quyền đã khiên cưỡng, trí trá, xâm phạm những quyền tối thiểu của công dân.
 
Cho rằng những người trên đây xúi dục là một suy nghĩ đầy tính áp đặt, thiếu cơ sở. Và cho dù họ có làm việc đó thì cũng không hề xâm phạm lợi ích nào của "nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Một trăm đơn khiếu nại riêng rẽ của một trăm người thay vì một đơn có một trăm chữ ký mang ý nghĩa như nhau, thậm chí đơn giản hơn về thủ tục hành chính.
 
Mạng lưới blogger Việt Nam đã từng yêu cầu Nhà nước sửa đổi pháp luật, huỷ bỏ điều 258 trong  Bộ luật Hình sự, vì nó vi phạm bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, điều khoản về quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý kiến.
 
Qua một số trường hợp đã nêu, xem xét về các hành vi và mức án của cùng "tội danh" vi phạm điều 258 áp dụng cho từng người một, rõ ràng toà án Việt Nam đã hết sức cẩu thả, tuỳ tiện, cáo buộc tội trạng theo cảm tính và xử theo luật rừng.
 
Với kiểu cư xử này, rất nhiều người sinh hoạt trên mạng Facebook có thể bị bắt giữ, bởi vì đôi khi chỉ với một status ngắn gọn, họ đã thể hiện sự thất vọng vào sự cai trị của bộ máy cầm quyền, cũng như ca thán, chế nhạo, hay lên án nó mạnh mẽ. Tuy nhiên công an chưa ra tay, chắc hẳn vì thấy những người này chưa tạo ra mối nguy cơ nào cho quyền lực mà chỉ "chém gió" cho thoả cơn giận. Nhưng trong thực tế, tổ chức phóng viên không biên giới cũng đã xếp Việt Nam vào các quốc gia kẻ thù của Internet và đứng thứ nhì sau Trung Quốc về số lượng bloggers, nhà báo bị giam giữ.
 
Một thực tế khác, nhân danh ổn định trật tự xã hội và an ninh quốc gia, công an có thể hành hung, bắt giữ bất kỳ ai, ở đâu và vào lúc nào, bất chấp mọi kỷ cương, phép nước. Chế độ này thực chất sử dụng luật chơi của một băng đảng bạo lực sặc mùi mafia. Pháp luật của nó chỉ là thứ trang sức rẻ tiền để trưng diễn khi cần thiết, chẳng có chút giá trị thực tiễn nào trong đời sống.
 
Cho nên, nếu chỉ nêu ra những nghịch lý trong điều 258 thì là quá ít, quá nhỏ trong cái rừng luật của chế độ. Đảng Cộng sản Việt Nam còn sẵn sàng chà đạp lên cả hiến pháp, một bộ luật khung được tạo ra cho sự hoạt động của cả hệ thống.
 
© Lê Diễn Đức - RFA Blog