You are here

Cần rạch ròi hai xu hướng Dân chủ tiến bộ và Dân chủ cực đoan

Vào lúc 10h00 sáng đúng vào ngày thành lập đảng CSVN (03.2.2014), có một số người tự xưng là thành viên Pháp Luân Công do Chính Vương Nguyễn Doãn Kiên chỉ huy, vác búa tạ xông vào khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để định đập Lăng. Một hành động dù biết trước kết quả là không làm được gì, song cũng đã khiến cho không ít người Việt nam choáng váng theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.

Vì ít nhiều nhân vật Hồ Chí Minh đã và đang được đảng CSVN triệt để khai thác trong việc thần thánh hóa để làm tấm bình phong cho chế độ. Hành đông đập Lăng cũng có nghĩa là tấn công thẳng vào biểu tượng của chế độ. Đây là một việc làm nhận được những đánh giá khác nhau, tùy theo mỗi người có quan điểm chính trị không giống nhau ở trong hay ngoài nước. Có người thì hả hê cho rằng không có tin gì kinh khủng hơn lại xảy ra vào đúng vào ngày kỷ niệm thành lập đảng CSVN ở địa điểm trung tâm chính trị của cả nước nói chung và thủ đô Hà nội nói riêng. Cũng có nhiều người dân trong nước thì không nén được sự phẫn nộ khi biết tin này trên mạng internet, khi thần tượng của họ bị xúc phạm.
 
Xin không bàn đến hành động nói trên là hành động cực đoan hay ôn hòa, cũng như sự thực vấn đề này là gì và ai là kẻ đứng đằng sau hàng loạt các hành động vuốt râu hùm tương tự như: trương biểu ngữ tố cáo chế độ cộng sản, giật tượng Lê nin và đập Lăng Bác ở khu vực được coi là trọng điểm và được bảo vệ ở mức cao nhất. Vì có nhiều ý kiến khác nhau đây là hành động nên làm hay không nên làm trong hoạt động của công cuộc đấu tranh vì dân chủ cho Việt nam? Có ý kiến cho rằng những việc làm này có bàn tay của phương Bắc với mục đích nhằm triệt hạ phong trào Pháp Luân Công ở Việt nam. Hay có người còn coi sự việc đó cũng nói lên sự bức bí, bất lực về phương thức tranh đấu của nhóm người được gọi là của Pháp Luân Công này. Về mặt nào đấy có thể gọi là hành vi thiêu thân, show off. Cũng có ý kiến cho rằng khi tấn công thần tượng của một số đông dân chúng trong nước thì phải coi chừng hiệu ứng ngược. Nghĩa là có nhiều xu hướng khác nhau xuất phát từ một động lực đấu tranh giống nhau. Đây là một hiện tượng bình thường trong sinh hoạt chính trị dân chủ theo lối đa nguyên tư tưởng - tôn trọng sự khác biệt.
 
Hiện tượng không đồng quan điểm tương tự như thế xảy ra cách đây ít lâu, trên trang Dân luận mọi người bàn luận sôi nổi vấn đề cổ vũ cho bạo lực từ bài viết của TS. Nguyễn Quang A với nhan đề "Không được kích động bạo lực". Theo tác giả thì "... tôi thực sự bị sốc khi xem một đoạn video mang tên “Lê Quốc Quân” trên mạng. Tại đó một người phụ nữ hô to “Học tập gương anh hùng Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình,”… “Nhìn thẳng đầu bọn quan tham mà nổ súng,” “Nhìn thẳng đầu bọn tham nhũng mà bóp cò”. Tôi không thể tin vào tai mình nữa. Hình như người đó cũng mang một chiếc áo có in hình Lê Quốc Quân. Những lời hô hào đó làm bẩn danh Lê Quốc Quân! Tôi nghĩ Luật sư Lê Quốc Quân chắc hẳn không tán thành sự kích động bạo lực như vậy. Những người hô hào như thế có thể có bức xúc gì đó nhưng chẳng gì có thể biện minh cho việc làm tai hại của họ. Những hành động như thế là có hại cho đất nước và phải bị lên án.". 
 
Thẳng thắn mà nói thì trong vấn đề đấu tranh vì dân chủ vấn đề hiệu ứng ngược quả là có thật và cần phải thận trọng, cũng là vì có những hành động phần nào sẽ khiến người dân trong nước ghét và không muốn "dây" với cái gọi là Dân chủ. Và trên thực tế các ý kiến ủng hộ hành động đập Lăng của Nguyễn Doãn Kiên hay phản đối bài viết của TS. Nguyễn Quang A và cổ vũ cho hành động bạo lực không phải là ít. Trên thực tế công cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt nam hiện nay, một điều luôn bị nhiều người xem là nhược điểm và do đó không có khả năng tập hợp sức mạnh. Đó là không có một tiếng nói và hành động thống nhất chung giữa các tổ chức và các lực lượng. Đòi hỏi này thoạt tiên xem chừng đúng, xong với một ý thức đa nguyên thì thấy đó là điều bất khả thi vì mỗi người mỗi ý, mỗi tổ chức có các chủ trương và xu hướng khác nhau. Người thì chủ trương bất bạo động, kẻ thì chủ trương bạo động và cũng có người hỏi sao không kết hợp cả hai theo kiểu đấu tranh toàn diện? Nói tóm lại là cùng một mục đích song người ta có thể sử dụng nhiều phương tiện, kể cả chính trị và vũ trang, đó là điều khó có thể tránh khỏi. Phải chăng, nếu hiểu theo câu thành ngữ "Mèo đen, mèo trắng miễn bắt được chuột", của những người ưa cuộng hiệu quả thì bất kể hành động đấu tranh nào cũng đáng trân trọng và được tôn vinh như suy nghĩ của nhiều người?
 
Tuy vậy, dẫu chưa có một con số khảo sát thống kê cụ thể có bao nhiêu tổ chức và cá nhân  ủng hộ hay không ủng hộ bất bạo động và bất bạo động, song phần nào vấn đề này cũng phản ảnh một thực tế mà nhiều người cho rằng đáng lo ngại. Đó là trong việc đấu tranh Dân chủ sẽ sử dụng cả bạo lực? Và nhiều người lo cho hiện tượng con sâu sẽ làm rầu nồi canh.
 
Hiện nay trên thế giới, thể chế chính trị dân chủ là xu hướng chung của thời đại, đã có trên 65% các quốc gia trên thế giới đã lựa chọn xu hướng chính trị tiến bộ này và nó được coi là sự tất yếu. Cho dù phương thức đấu tranh bấtt bạo động là xu thế chung của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở các quốc gia, song hiện tượng sử dụng bạo lực trong các cuộc cách mạng Arap Spring ở Trung Đông và Bắc Phi chúng ta vẫn thấy sự hiện hữu của đấu tranh bằng vũ trang ở các quốc gia độc tài ngoan cố và bất chấp luật pháp. Nơi tưởng như phương thức đấu tranh bất bạo động khó có thể vượt qua nổi cũng như Việt nam. Và phải thừa nhận, sự kết hợp cả hai phương thức đã chứng tỏ hiệu quả, vì sự đổ máu nhiều khi cũng có khả năng gây áp lực nhanh và lớn lên nhà cầm quyền. Tuy nhiên cũng có ý kiến kiên quyết từ bỏ bạo lực để sử dụng bất bạo động thông qua cách hành động bất tuân dân sự của công dân đẻ biểu thị sự phản kháng. Vì theo họ nếu sử dụng đến bạo lực là đồng nghĩa với sự mất chính nghĩa và sẽ mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với phong trào đấu tranh cho dân chủ.
 
Vậy đâu là giải pháp dung hòa giữa hai trường phái này và để tránh tiếng xấu cho trường phái ôn hòa - bất bạo động?
 
Được biết trong lịch sử, tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô là đảng Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga, nhưng sau một xung đột giữa các lãnh đạo Vladimir Lenin và Julius Martov xung quanh các vấn đề liên quan đến tổ chức đảng trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng về việc gia nhập đảng. Những đảng viên ủng hộ Martov là những người thiểu số, tách ra được gọi là "Menshevik" (thiểu số), trong khi các đảng viên ủng hộ Lenin được gọi là "Bolshevik "(đa số). Trong khi cả hai phe cùng tin rằng một cuộc cách mạng dân chủ tư sản là cần thiết, song những người Menshevik thường có xu hướng ôn hòa hơn và tích cực hơn đối với phe Bolshevik. Và ngay sau khi giành được quyền lực vào tháng 9 năm 1917, đảng này đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik) (РКП(б)) đến năm 1952 thì đảng này mới bỏ chữ "Bolshevik" khỏi tên gọi của mình.
 
Do vậy thực tế tình hình của những người ủng hộ hay đang đấu tranh cho công cuộc vận động cho Dân chủ ở Việt nam nói chung hiện nay cũng thấy cần thiết phải tách thành hai lực lượng ôn hòa và cực đoan dựa theo cơ sở lực lượng ủng hộ theo đa số kiểu Bolshevik và thiểu số Menshevik. Hay cũng có thể là nhóm những người Dân chủ cực đoan hay nhóm những người Dân chủ tiến bộ. Hai xu hướng Dân chủ này cần được tách bạch rõ ràng chứ không thể nằm chung trong một từ chung chung: Dân chủ
 
Trên thực tế cho thấy những người ủng hộ hay đang đấu tranh cho công cuộc vận động cho Dân chủ ở Việt nam nó đã tách biệt một cách tương đối rõ nét trong tư tưởng, hành động cũng như phát ngôn của mỗi cá nhân, mỗi bộ phận. Đó là bên cạnh những người đấu tranh ôn hòa, có hiểu biết và có văn hóa ứng xử đẹp, còn có một lực lượng chống cộng cực đoan cả về hành động là lời nói. Nhưng đáng tiếc hai xu hướng đó vẫn chung một màu áo. Và vô tình nó tạo nên hố ngăn cách và đối chọi về tư tưởng giữa các cá nhân theo các xu hướng khác nhau.
 
Việc làm này có thể có người cho rằng là sự phân hóa dẫn tới suy giảm sức mạnh vốn quá yếu ớt của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam hiện nay. Nhưng nếu xem xét kỹ ở những góc độ góc độ khác thì việc làm này có tác dụng tích cực nhiều hơn. Nó không chỉ nâng cao chất lượng của những người ủng hộ hay đang đấu tranh cho công cuộc vận động cho Dân chủ ở Việt nam theo xu hướng bất bạo động, đồng thời sẽ làm nền tảng để thu hút được sự ủng hộ lớn của số đông những người có quan điểm chống độc tài ở trong nước.
 
Khi mà hiện tại ở Việt nam, có một bộ phận lớn những người như thế đối với họ dân chủ là một sự xấu xa và họ không muốn dây.
 
Khai bút đầu Xuân, 05 tháng 02 năm 2014
 
© Kami
 
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA 

.

Bài bình luận

Đây là một vấn đề quan trọng, cần bàn luận rất kỉ. Tuy nhiên bài viết này quá đổi nông cạn. Hầu như tác giả viết để biện hộ cho suy nghỉ mình hơn là đưa vấn đề quan trọng này ra mổ xẻ để tìm một đáp số. Tác giả đưa ra kết luận căn cứ vào những gì xảy ra ở Liên Xô trước 1917. Thứ nhất, tác giả chỉ nêu ra kết quả nhưng không phân tích. Thứ hai, tại sao lại phải: "ở LX như vầy, do đó chúng ta cũng phải như vầy"? Hai môi trường, hai thời điểm, hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Rồi câu này: "Đó là bên cạnh những người đấu tranh ôn hòa, có hiểu biết và có văn hóa ứng xử đẹp, còn có một lực lượng chống cộng cực đoan cả về hành động là lời nói". Dù có thể không cố ý, câu viết này gián tiếp gọi những người "thiên bạo động" là "cực đoan", là thiếu "hiểu biết", là không có "văn hóa", là không "ứng xử đẹp". Ôn hòa hay bạo lực tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường. Lấy Thiên An Môn làm ví dụ: hàng trăm người mất mạng, hàng ngàn người thương vong. Những sinh viên TQ đấu tranh ôn hòa bằng tuyệt thực với kết quả ra sao thì chắc chắn tác giả cũng đã biết. Nếu tác giả ủng hộ đấu tranh ôn hòa thì hãy mạnh dạn nói lên quan điểm của mình và giải thích tại sao đó là một cách có thể đem đến thành công. Đồng thời hãy phân tích tại sao đấu tranh bạo động là không có hiệu lực. Cách viết chung chung, lập luận sơ sài, và gán ép này chỉ làm cho người đọc này thấy phảng phất cách viết lười và nông cạn của những nhà báo lề phải.