You are here

Không chỉ là vấn đề lý lẽ, mà còn là đạo lý

Trong những ngày này, tin tức xung quanh việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần hưởng thọ 103 tuổi trên mạng internet luôn được chú ý. Cũng dễ hiểu, vì ông là một vị tướng của huyền thoại xa cõi đời ở cái tuổi "Đại Thọ Bách Niên", mà lâu nay cái tên Võ Nguyên Giáp trở thành một cái hoài niệm của không ít người về thế hệ những người Cộng sản "tử tế", mà có lẽ ông đã là người chót của thế hệ cuối cùng.

Công lao hay sự vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể không thuyết phục nhiều người thông qua sự ra đời của một nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, hay sự kiện Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" cũng là điều bình thường và dễ hiểu. Vì phàm là con người tất nhiên là có kẻ yêu người ghét, không phải là đến các bậc thần thánh cũng còn bị không ít kẻ nguyền rủa hay sao? Tuy nhiên việc những ngày vừa rồi ở Hà nội, trong nhiều ngày đêm, đã có hàng vạn người đã xếp hàng dài nối đuôi nhau vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia số 30 đường Hoàng Diệu  để bày tỏ sự thương tiếc của mình đối với vị tướng huyền thoại. Và đặc biệt trong một ngày đã có tới hơn 11.000 người tới viếng cũng nói lên tất cả sự kính trọng mà người dân Việt nam trong và ngoài nước dành cho ông. Đó là điều mà có người cho rằng chỉ có hai (lần) mà không có lần thứ ba khi người dân Việt nam tự nguyện làm cái việc xếp hàng vào viếng, lần trước đó là họ dành cho ông Hồ Chí Minh. Không chỉ thế, tên tuổi và uy tín của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn vượt qua biên giới và cái tên Võ Nguyên Giáp trở thành tên của một trong những tướng lĩnh của lịch sử thế giới. Khi này thì chuyện có người bảo rằng nhà nước bắt dân khóc (vờ) hay phát ớt cho dân bôi vào mắt ai đó nói ra thì không ai nghe và tin. Bởi sự thật ở thời buổi này không như trước, rất dễ được kiểm chứng.

Nhưng số phận của con người ấy - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không thoát được cái số phận của con người. Khi cái "Chữ tài liền với chữ tai một vần" gắn chặt với số phận ông, những gì trong quá khức các đồng chí và đồng đội đối với ông hôm nay không có gì là bí mật. Việc đảng và chính quyền tổ chức quốc tang cho ông bằng những nghi thức trọng thị hình như cũng là thay cho sự ăn năn của họ. Nhưng không ngoài mục đích lợi dụng tên tuổi của ông. Những cái đó cũng chính là nguyên nhân để người dân quý ông, và họ quý ông vì thương ông nhiều hơn là vì trọng cái tài, cái đức của tướng Gíáp. Đối với tầng lớp trí thức trong nước thì họ coi ông là điểm tựa tinh thần trong bối cảnh xã hội bất bình thường, khi trí thức bị coi rẻ. Những cái đó đã khiến tên tuổi và con người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần gũi với mọi người dân trên mọi vùng của tổ quốc, đặc biệt là những người dân tỉnh Quảng bình quê  hương ông. 

Nhưng cũng trong những ngày này, chúng ta thấy các ý kiến trái chiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mạng xã hội facebook cũng không phải là hiếm. Có những ý kiến cho rằng ông Giáp là đồ tể, là tướng nướng quân..., còn nhiều và nặng nề hơn thế mà ở đây tôi không dám trích dẫn. Cũng có ý kiến bốc đồng thái quá, tới mức phong cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc "Thánh tướng", mà quên không tìm hiểu nghĩa của từ này là gì v.v.... Xin đừng quên "Nghĩa tử là nghĩa tận" và quan trọng của một đời con người khi lìa xa cõi đời thì "Khi lìa trần có mấy người đưa". Những điều tai nghe, mắt thấy trong đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có lẽ không thức tỉnh nổi ngọn lửa đạo lý hay tình con người trong tâm thức của những người này. Không có lẽ hàng chục vạn người đến viếng họ đều là những kẻ u mê vì bị nhồi sọ như một số người cố tình suy diễn?

Đành rằng yêu ai, ghét ai là quyền của mỗi người chẳng ai có quyền ngăn cấm. Song cũng xin được nói ra đây cho rõ: Một số người không hiểu đã vội dựa vào câu "Một tướng công thành vạn cốt khô" để rêu rao rằng "ông Giáp là đồ tể, là tướng nướng quân...". Mà họ không biết rằng đây là câu cuối trong bài thơ thất ngôn "Kỉ Hợi tuế nhị thủ " của Tào Tùng, nhà thơ Trung quốc đời Đường. Câu đó có nghĩa là: Một ông tướng đến khi công thành danh toại thì sẽ dẫn đến cả vạn bộ xương binh lính chết khô. Để thấy cái đó là chân lý của ngàn đời nay, cái chân lý đó có trước khi ông Giáp sinh ra và hơn thế nữa đó là sự thật không thể chối cãi cho mọi ông tướng (võ) cầm quân ra trận chứ không riêng gì ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó nó cũng luôn là chân lý tất yếu, cũng như câu "Thời thế, thế thời phải thế" cũng vậy.Đó là chưa kể nếu quý vị đọc bài "Chuyện tướng Giáp và Điện Biên Phủ" của nhà báo ở hải ngoại Vũ Qúy Hạo Nhiên sẽ rõ hơn điều mà các quý vị hiểu sai. Cũng như từ "Thánh tướng" có nghĩa là "(Khẩu ngữ) tài giỏi, có khả năng hơn người" được dùng với hàm ý mỉa mai. Nếu hiểu như thế sao lại dùng từ ấy cho tướng Giáp được?
 
Có lẽ cũng bất bình nên facbooker Nguyễn Thiện có viết trên trang của ông "Nói thật nhé, thái độ đối với nhà người khác khi họ có tang nói lên văn hóa của mình đấy ! Nếu mình không thích thì đừng đến viếng chứ không nên dè bỉu, xúc xiểm chút nào !". Xin mượn lời bác Nguyễn Thiện viết ra đây cũng chỉ nhằm để dạy cho con cháu, với mong muốn chúng nó sau này trở thành người tử tế. Con trẻ sau này chúng nó có thể mang me, mang khế... chua đến đám ma để trêu mấy ông thợ kèn theo lối nghịch ngợm của trẻ nhỏ, chứ chắc chúng nó sẽ không đến nhà có tang để chửi đổng người đã khuất. Trời đánh còn tránh bữa ăn chứ huống chi là tang lễ của một con người.
 
Điều đó đối với người Việt dẫu có tư tưởng đa nguyên, tôn trọng sự khác biệt là hoàn toàn đúng về lý nhưng hình như chưa thuận về tình nếu việc đó diễn ra trong lúc này, những ngày tang gia bối rối mà ai đó với những lời lẽ xúc xiểm, dè bửu mang tính hằn học và thỏa mãn trước cái chết của một vĩ nhân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều không nên. Tóm lại vấn đề là thời điểm. Thiếu gì lúc để nói, nói ra lúc này thiết nghĩ nó lạc lõng và hơn nữa nó không có khả năng thuyết phục trong việc thu phục nhân tâm.
 
Viết ngắn vài dòng chả nhằm chê trách hay công kích ai, mà chỉ sợ không nói ra rồi cái cảnh "Chống lệnh Quốc tang: TP Hạ Long "tưng bừng" tổ chức Đại hội TDTT" sẽ thành phổ biến.

Vấn đề này không chỉ là vấn đề lý lẽ, mà là phạm trù của đạo đức con người. Cái mà người ta gọi là đạo lý.

Ngày 12 tháng 10 năm 2013

© Kami

————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

 

Bài bình luận

Chuyện nướng quân và chiến thuật "biển người hay liều mạng " là hậu quả của thứ VĂN HÓA PHẢN KHOA HỌC PHI NHÂN BẢN CỦA ĐẠI HÁN mà người ta gọi là "quân tử Tàu hay anh hùng rơm". Cái thứ văn hóa đó chỉ có ở Châu Á như Tàu, Nhật,Hàn và Việt Nam chứ phương Tây ít khi chiến thuật nầy được áp dụng duy chỉ có anh cả Liên Xô của VN áp dụng trong thế chiến 2.