You are here

Tại sao người dân Văn Giang phải vỗ tay?

Ảnh của nguyenhuuvinh

“Người dựng nước không biết gìn giữ nước
Kẻ chăn dân không hiểu hết lòng dân
Nước lại mất lại tìm đường cứu nước
Đầu lại rơi, máu lại đổ tràn”
Tạ Khắc Cư
 
Theo dõi cuộc gặp gỡ giữa ông Gs Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường với bà con Văn Giang chiều nay 8/11/2012, người ta thấy có nhiều bài học cần được rút ra.
 

Cuộc chiến giữ đất của người dân Văn Giang kéo dài đến 8 năm, ở đó đã có đầy đủ đoạn trường gian nan vất vả, có đạn dược và quân lính, có súng nổ và bạo lực rồi máu đổ. Ở đó cũng có tấm lòng người dân ba xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công thuộc huyện Văn Giang muôn đời vẫn là người nông dân muốn giữ lại mảnh đất cha ông của mình đã bao đời kiến tạo và giữ gìn.
 
Buổi gặp gỡ chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, đã giải tỏa được khá nhiều vấn đề người dân ba xã nói chung và nhân dân cả nước nói chung mong đợi. Kết luận cuối cùng là Giáo sư Đặng Hùng Võ xin lỗi người nông dân Văn Giang. Và bà con nông dân Văn Giang vỗ tay.
 
Như vậy, lòng vòng qua lại cả mấy năm, mọi chuyện trắng đen, sai đúng được giải tỏa chỉ trong có 3 tiếng đồng hồ. Vậy lý do gì mà cuộc gặp này không được tiến hành sớm hơn để cho những uẩn khuất, những thắc mắc được giải tỏa, để người dân Văn Giang không phải cứ hàng tuần, hàng ngày lo lắng đạp xe sang Hà Nội cả mấy chục cây số đi biểu tình? Để góp phần cho đường phố Hà Nội hàng đoàn, hàng đoàn người dân oan ngày càng đông đúc đến kêu cứu hết mọi cơ quan “của dân, do dân, vì dân” và nhận được những sự im lặng đáng sợ sau những cánh cổng im ỉm đóng. Để những người dân, người chủ đất nước này nhận được sự gườm ghè, bắt bớ của lực lượng an ninh, cảnh sát, dân phòng. Để đến giờ này trên mạng vẫn loang rộng tin tức là đêm qua bà con dân oan đã bị xúc sang Lộc Hà mấy chục người, kẻ bị thương, kẻ ốm đang kêu cứu bên đó. Để đến mức nơi vui chơi của người dân là các công viên bị giăng dây, đặt biển cấm người dân sinh hoạt mà chỉ để dành cho chó tập tành? Và nói như Nguyễn Thế Thảo, ủy viên trung ương Đảng CS, Chủ tịch Hà Nội là “biểu tình làm xấu hình ảnh Thủ đô”, lại còn “ảnh hưởng đến ngoại giao”?
 
Theo như quan chức Hà Nội cũng như các quan chức nói chung thì mọi chuyện phức tạp đều do dân, do các thế lực thù địch nhan nhản trong dân mà ra. Còn quan chức nhà nước này thì mọi chuyện đều tuyệt vời, chỉ có “một bộ phận không nhỏ” bị hư hỏng, biến chất và trở thành “bầy sâu” đục khoét, tham nhũng, cướp bóc của dân mà thôi(!) Thực ra cũng đúng, nếu như dân cứ im lặng, nhà nước muốn lấy bao nhiêu đất, dù là đất hương hỏa ngàn đời, mồ mả cha ông, dù là mảnh ruộng cày cuối cùng nuôi đàn con dại, dù là nơi an nghỉ cuối cùng của người chết hay đất nhà thờ, tu viện, nơi thờ tự… dân cứ thế câm miệng mà chấp nhận. Nếu nhà nước hô hào góp vàng, góp bạc, góp cửa nhà hay mạng sống, cứ thế mà góp, đừng một lời kêu ca, đói ráng chịu, khổ đừng kêu… thì đâu có những chuyện biểu tình, làm “xấu hình ảnh thủ đô”.

Dân oan đòi đất ở Hà Nội
 
Tiếc rằng, bọn dân này cũng là con người, cũng cần sống, cần săn, cần ở, cũng cần nuôi con cái. Cũng chính vì bọn dân này là con người, nên mới có thể làm lụng, chắt chiu, chịu thương chịu khó đổ mồi hôi sôi nước mắt làm nên của cải vật chất nuôi một bầy sâu “không nhỏ”. Chính vì vậy mà họ có nhận thức, họ biết phân biệt đúng, sai, ân, oán và họ hiểu được ai vì họ và ai đang nô lệ hóa cuộc đời họ. Và chính cũng vì vậy, từ chỗ được coi là liên minh của giai cấp tiên tiến, là cha mẹ của quan chức, nuôi nấng quan chức, người nông dân bỗng nhiên được chuyển đổi thành thế lực thù địch rất nhanh chóng và bị đối xử như thù địch.
 
Trong buổi gặp gỡ chiều nay, ông Đặng Hùng Võ đã có một câu nói rất hay: “Khi cuộc sống cần thì không thể chờ luật”. Nếu như câu nói này, được nói để ông Nguyễn Thế Thảo biết khi nói về những cuộc biểu tình của những người yêu nước chống Trung Quốc hoặc dân oan mất đất thì ý nghĩa biết chừng nào? Chắc chắn là sẽ hơn dùng để biện minh cho cái sai của nhà nước.

“Khi cuộc sống cần thì không thể chờ luật”. GS Đặng Hùng Võ
 
Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, mọi chuyện đã rõ, quan chức sai, nhà nước sai và dân đúng.
 
Hèn chi, Bộ Tài Nguyên – Môi trường đã không đồng ý cho ông Võ gặp dân sớm hơn, vì mọi việc đã có “Bộ” lo. Bộ lo ngày lo đêm nên dân dãi dầm mưa nắng tháng này qua năm khác. Bộ lo nên máu người dân đã đổ, công an, chiến sĩ, nhà báo đã đánh nhau chí tử, bạt mạng như một trận chiến còn khốc liệt hơn đánh Trung Quốc năm 1979. Sở dĩ khốc liệt hơn, vì ở đây là người Việt đánh người Việt. Người ta ước mơ rằng, trong đoạn video đánh người dân tại Văn Giang đó, thay người nông dân bằng một tên lính Tàu đang cướp chiếm Hoàng Sa thì người dân Việt Nam đỡ tủi hổ biết bao?
 
Thực ra, ông Gs Đặng Hùng Võ nhận sai và xin lỗi nhân dân Văn Giang ở đây là chưa đúng, ông Võ giờ đây cũng chỉ là một công dân như bà con Văn Giang không hơn. Cái sai mà ông Võ nhận ở đây, là cái sai của Bộ Tài Nguyên môi trường mà ông Võ giữ chức Thứ trưởng chứ không phải là cái sai của cá nhân công dân Đặng Hùng Võ với bà con nông dân Văn Giang. Còn cái sai cuối cùng để đẩy người dân Văn Giang đến tình cảnh hôm nay, là chính Thủ tướng bằng những quyết định sai trái của mình. Vì thế, người xin lỗi nhân dân Văn Giang, phải là Bộ Tài nguyên – Môi trường và Thủ tướng chứ không phải cá nhân ông Đặng Hùng Võ.
 
Qua buổi gặp gỡ, mới biết được rằng, cái cố hữu, cái kiêu ngạo và bệnh điếc của người Cộng sản là quá nặng. Dù với tư cách một công dân bình thường, trước đó chỉ có một ngày, ông Đặng Hùng Võ, người được coi là một chuyên gia đầu ngành về đất đai vẫn còn phát biểu lại rằng: “Thanh thiên bạch nhật mà nói thì thủ tục thu hồi đất của dự án này, tôi nhắc lại, không có gì sai pháp luật” và “Tôi tự tin mình không sai ở Văn Giang”. Thậm chí ông còn muốn biến cuộc gặp gỡ này thành một buổi để giải thích pháp luật cho bà con hiểu. Nhưng chỉ một ngày sau, sau 3 giờ tiếp xúc với dân, ông đã phải nhận lỗi. Vậy thì ở đây, người được giải thích pháp luật cho hiểu là chính ông Giáo sư đầu ngành này chứ không phải là mấy ông bà nông dân chân lấm tay bùn kia. Thế mới hiểu, nguồn gốc nhiều vấn đề hiện nay, là ở chỗ cái nhà nước “của dân, do dân, vì dân” nhưng đã coi thường, xa lánh và không chấp nhận hiểu dân đã đến độ nào. Dù cho hôm qua, ông Võ đã xác nhận rằng “không có vấn đề “chạy” dự án Ecopark”, nhưng điều đó đúng hay không chắc chưa ai kiểm chứng được, bởi cũng chính ông Võ tháng trước đã nói rằng “không có tiền bôi trơn không chạy được đất đâu”. Vậy chẳng lẽ duy nhất dự án này nằm ngoài “thông lệ” đó?
 
Buổi gặp gỡ chiều nay, ông Đặng Hùng Võ đã nhận lỗi với bà con nông dân, đó là điều dũng cảm của ông, ông đã vượt lên được thói kiêu ngạo cộng sản thường ngày để nhận lỗi. Tôi tin đó là điều thành thật và đáng trân trọng. Nhưng như trên đã nói việc nhận lỗi này chỉ có một ý nghĩa duy nhất là khẳng định Bộ Tài nguyên – Môi trường và Thủ tướng chính phủ đã quyết định sai đối với người dân Văn Giang. Vấn đề tiếp theo là nhận lỗi rồi thì sao, sửa lỗi ra sao? Nếu như người ta cứ gây lỗi lầm, rồi nhận lỗi là xong, thì chắc rằng ai cũng muốn phạm lỗi. Vì phạm lỗi là thỏa mãn được những thứ cá nhân mình muốn, mình cần mà bất chấp luật pháp. Chính vì vậy phải sòng phẳng mà nói: Nhận lỗi phải có mục đích bắt đầu cho việc thực hiện sửa lỗi, đền bù thiệt hại từ những lỗi lầm của mình gây ra. Còn theo kiểu nhận lỗi suông là xong, để rồi lại tiếp tục lỗi mới, thì việc nhận lỗi đó càng thể hiện sự trơ tráo, đồi bại và bất lương.
 
Lời nhận lỗi của ông Đặng Hùng Võ chiều nay, nói ra nhẹ nhàng đơn giản. Nhưng hậu quả của lỗi đó, là người nông dân cay đắng đã 8 năm nay trên quê hương, đất đai của mình, cha ông họ bị đào xới, đất đai, ruộng vườn của họ bị chiếm đoạt. Đó là sự chia ly gia đình, mất đi nghĩa tình làng xóm, đặc biệt là làm rạn vỡ truyền thống yêu thương, đùm bọc nhau vốn có tự ngàn đời nay trong nông thôn Việt Nam.
 
Thế nhưng, sau lời nhận lỗi của ông, bà con nông dân Văn Giang đã vỗ tay nhiệt liệt. Tại sao vậy?
 
Có phải họ nghĩ rằng cuộc đấu tranh của họ tám năm nay, chỉ là để nhận được lời xin lỗi của một quan chức hồi hưu, mà thân phận giờ đây cũng chỉ bằng họ là xong, là thỏa mãn? Có lẽ không phải thế.
 
Trước hết, phải hiểu rằng tấm lòng người dân vẫn bao dung, vẫn luôn rộng mở cho những ai biết “chạy lại” mà không nỡ đánh thêm. Dù họ đã gây cho người dân bao đau khổ khi còn quyền chức trong tay. Thế nhưng khi đã biết hướng thiện, nhìn nhận trách nhiệm của mình, thì họ sẵn sàng cảm thông và đón nhận. Đức tính đáng quý này may vẫn còn ở người nông dân Việt Nam, là nét văn hóa của người Việt dù mai một vẫn chưa mất hẳn.
 
Những tràng vỗ tay chiều nay khi ông Võ nhận lỗi, là một minh chứng cho thấy rằng việc họ gian nan đấu tranh bao tháng năm qua của người dân Văn Giang là cuộc đấu chính nghĩa, sự thật và lẽ phải thuộc về họ. Vì thế họ vui, họ phấn khởi khi lời nhận lỗi là một bằng chứng sống động.
 
Và như thế, họ sẽ còn đấu tranh, còn tiếp tục khẳng định những giá trị của mình và họ tin rằng cuối cùng thì công lý sẽ phải đứng về phía họ.
 
Vấn đề là với những con người, cơ quan, nhà nước đã gây lỗi với họ sẽ làm gì trong thời gian tới.
 
Hãy chờ xem.
 
Hà Nội, ngày 8/11/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Đọc thêm: Khi người cộng sản nhận lỗi