You are here

BẠO LỰC, SỨC ĐẨY CỦA NỀN VĂN HÓA SỰ CHẾT? (Phần II)

Tiếp Theo Kỳ Trước
Xin giới thiệu bài viết mang tính thời sự của ông Nguyễn Đức Cung như là một hương vị mới về quan niệm xã hội. Bài viết rất hay và dài, chia làm ba phần
Cách đây không lâu, tôi gặp ông Nguyễn Đức Cung trong một buổi tiệc. Ông là một nhà sử học và nhà hoạt động chính trị ở hải ngoại. Ông cũng là một nhà Hán học, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Ban Sử Địa tại Viện Đại Học Huế năm 1965 và Cao Học Sử năm 1974. Thế hệ Hán học thời xưa còn lại cũng ít. Tôi và bác trao đổi một số câu chuyện về văn hóa dân tộc. Gần đây, tôi cũng hay giới thiệu bài viết của các nhà tân Hán học (học từ bên Trung Quốc về) như Lê Anh Thư, Hồ Như Ý trên blog RFA của mình. Bây giờ xin giới thiệu bài của cựu Hán học vậy. Ông Nguyễn Đức Cung theo đạo Công Giáo nhưng chuộng Nho Khổng.
Ông Nguyễn Đức Cung cũng từng tham gia trong Đại Việt Cách Mạng Đảng, Trung Ương Uỷ Viên, dân biểu tỉnh Quảng Nam dưới chế độ VNCH. Ông đã từng xuất bản các tác phẩm:
Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (nguyên tác chữ Hán của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn), bản dịch Việt Ngữ chung với các ông Trần Vinh Anh, Lê Ngọc Bích và Nguyễn Lý Tưởng, Nhà xuất bản Khai Tri, Sài Gòn, 1974;
Lịch ử Vùng Cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nxb. Nhật Lệ, 1998;
Trong Cõi Vô Thường, thi phẩn, Nxb. Nhật Lệ 1998;
Diên Lộc Quận Công Nguyễn Thân, biên khảo sử học, Nxb. Nhật Lệ, 2002;
Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại (1075-1975), Nxb. Nhật Lệ 2006.
Bạo Lực, Sức Đẩy Của Nền Văn Hóa Sự Chết (Phần 2)
Trở lại luận điểm của Goebbels ngày trước, chúng ta thấy rằng bọn lãnh đạo Quốc Xã Đức khi tung ra tác phẩm Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi) của Hitler viết lúc bị cầm tù ở Munich (1923) vì tổ chức một cuộc nổi dậy hụt (bị sảo thai) đã cổ xúy cho chủ nghĩa siêu tộc và phân biệt chủng tộc của mình, bài diệt Do Thái, đồng thời bắt mạch được tâm lý quần chúng vốn dễ tin nếu bị tuyên truyền nhồi nhét nhiều lần vì chỉ nghe mà không thấy. Ngày nay thì khác, luận điểm đó đã không đứng vững được vì kỹ thuật truyền thông hiện tại đã quá tiến bộ (mau lẹ) và rộng khắp (toàn cầu). Cách đây ba năm, đảng Cộng sản Việt Nam đã dại dột (hay dốt nát?) khi cắt lời phát biểu của Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt trước Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà nội (ngày 22-9-2009) nhân vụ tranh đấu đất Tòa Khâm Sứ để kết tội vị giáo phẩm cao cấp này trong dư luận dân chúng Việt Nam và chạy tội tham bạo của họ trước quốc tế.  Tuy vậy, trong khi có một ít người vì không được nghe các tin tức “ngoài luồng” nên đã tin theo luận điệu của nhà nước thì đại đa số quần chúng (vốn có lập trường dứt khoát là không bao giờ tin nhà nước CS) vì họ được nghe nguyên văn lời phát biểu can trường đó qua báo chí ngoại quốc, đài phái thanh hải ngoại, email, facebook, twitter v.v… nên có thái độ đứng về phía Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Đảng Cộng Sản Việt Nam đến nay chắc là đã “tởn”, không còn dám dùng chiến lược tuyên truyền cổ lổ sĩ của “danh sư” Goebbels nữa vì đã bị ngón võ “gậy ông đập lưng ông, dáo Tầu đâm Chệt” chưa hết choáng váng trên đầu. Nhưng chứng nào tật đó, họ vẫn ưa thích sử dụng bạo lực bằng chứng là trong vụ Giáo xứ Con Cuông, Giáo phận Vinh, họ vẫn dùng một đám công an đội lốt “dân chúng tự phát” để đánh đập các linh mục, tu sĩ và giáo dân, dùng loa phát thanh cực lớn để át tiếng kinh cầu của người tín hữu Công Giáo. Bộ mặt của nhà nước Cộng Sản đã lem luốc từ bao năm nay lại càng nhơ bẩn thêm dù họ có hàng tỉ đô la để rửa tiền tại các nhà băng ngoại quốc. Hành động dùng công an đội lốt quần chúng, một thứ “văn hóa công an” như chữ dùng của Bùi Tín, là lối bắt chước theo Trung Quốc và bắt chước cả Miến Điện thời quân phiệt Miến còn chễm chệ trong các guồng máy chính quyền. Bọn quân phiệt Miến Điện đã dùng cả xiềng, xiềng chân tù chính trị và bắt đi đập đá trong núi sâu (Xem ảnh giữa các trang 160-161, sách The Voice of Hope, tác giả Alan Clements, Nhà xb Seven Stories Press, New York, 2008, ảnh của ký giả Peter Conrad). Trong các cuộc biểu tình của dân chúng ở thủ đô Ngưỡng Quang, có anh sinh viên trong đám biểu tình đã phải quỳ phục xuống dưới đất, ôm hôn đôi giày của một người cảnh sát dẹp biểu tình, trước hàng lưỡi lê dàn hàng ngang tua tủa, tháng Tám 1988, ảnh của Ryo Takeda. Nhưng nay bạo lực đã từng bước bị chận đứng ở Miến Diện. Bao giờ thì đến lượt Việt Nam ? Sẽ không lâu!
Đối chiếu với lịch sử cận đại Việt Nam, theo Mạc-Định Hoàng Văn Chí, tác giả cuốn sách khá hay Từ Chủ nghĩa Thực dân tới chủ nghĩa Cộng Sản (Hoàng Văn Chí, From Colonialism to Communism, A case history of North Vietnam, Nhà xuất bản Frederick A. Praeger, Second Printing, 1965, trang 70), hai chữ Việt Minh xuất phát từ một tổ chức có tên Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của Hồ Học Lãm thành lập cùng với Nguyễn Hải Thần tại Nam-kinh vào tháng 1-1936 mà Hồ Chí Minh đã cưỡng đoạt lúc còn ở Trung Hoa. Tổ chức này thường được viết tắt là V.M., đọc nhanh là VẸM. Trong tiếng Việt, VẸM có nghĩa con vẹt, tức là nói như con vẹt, tức nói không cần suy nghĩ, tức nói láo. Lời ví von này mang ý nghĩa được dạy cho điều gì thì nói lại như vậy, thì lặp lại y nguyên lời đó, không cần sáng tạo, không cần ý kiến mới. Cho nên “nói như cán bộ Việt Minh”, có nghĩa là “nói láo như Vẹm”, cũng đồng nghĩa với “giả nhân giả nghĩa như Vẹm”. Hoàng Văn Chí từng là chuyên viên in bạc cho Hồ Chí Minh, hoạt động cộng tác nhiều năm với họ Hồ trong kháng chiến, đã bỏ về thành, nên biết rất rõ bộ mặt của chế độ Cộng Sản. Theo Hoàng Văn Chí cho biết, để tránh bị nhân dân cười diễu hai chữ Việt Minh là VÊ-EM tức VẸM, đảng Cộng Sản Việt Nam bèn đổi hai chữ Việt Minh ra LIÊN VIỆT nhưng do thái độ ỡm ờ, quờ quạng, phản trắc, không bao giờ tỏ ra thành thật, nhân nghĩa của đa số đảng viên và thành phần lãnh đạo (Bộ Chính Trị) của đảng Cộng Sản Việt Nam cùng các thành viên trong Mặt Trận Liên Việt, dân chúng khắp nơi trong vùng CS kiểm soát gọi Liên Việt là LỜ VỜ. Thật là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Như vậy đủ biết quần chúng Việt Nam lúc nào cũng cảnh giác, và cảnh giác cao độ chứ không chịu thua trận để cho Cộng Sản lừa bịp dễ dàng.
Những câu ca dao thời đại như : “Đại thắng lợi, Bác Hồ lộng kiếng” trở thành “Đợi thắng lại, Bác Hồ liệng cống…” hay “Mất mùa là tại thiên tai, Được mùa là tại thiên tài Đảng ta” phản ánh ngọn dáo của nhân dân đâm ngược vào họng nhà nước cường quyền.
Trong nền triết lý chính trị của Á Đông thời cổ có thể nêu một thí dụ điển hình về việc sử dụng bạo lực là việc nhà Tần (221-206) áp dụng sách lược của Pháp gia (Legalist School) trong việc thống nhất Trung Quốc vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Pháp gia là học phái chủ trương dùng hình phạt, pháp luật, nhất là bạo lực để thôn tính lãnh thổ các nước nhỏ và thống trị một đất nước rộng lớn.
Theo bản đồ của J. Gernet vẽ nước Trung Hoa vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, nước Tần ở vào một vị trí hẻo lánh lại mang tính chiến lược ở vào phía tây nước Trung Hoa này so với các nước khác thời Chiến Quốc như Ba Thục, Chu, Tống, Lỗ, Tề, Triệu, Yên đa số ở về phía đông. Nước Tề nhờ vị trí khá biệt lập đó nên ít bị các nước nhỏ khác dòm ngó, theo dõi… Nước Tần có cửa ải Hàm Cốc vốn là một vị trí địa lý rất hiểm trở “một người giữ cửa đó thì chống cự được vạn người”. Sử sách cho biết như vậy. Tần Thủy Hoàng đã biết khai thác yếu tố địa lý chính trị (geopolitics) của ải quan này bằng cách từ phía tây đột nhập tấn công các nước phía đông, phá hoại, thu chiến lợi phẩm rồi sau đó rút lui ngay trong khi các nước kia vì không am hiểu địch tình, thiếu tin tức tình báo nên không dám mạo hiểm truy kích về phía tây. Chiến lược này về sau đã ảnh hưởng trên đường lối chiến lược của Mao Trạch Đông (1893-1976)  đó là chiến lược du kích trong đó được phác hoạ lại với tính cách vĩ mô “lấy rừng núi chế ngự nông thôn, lấy nông thôn bao vậy thành thị.” Buổi đẩu, Tần Thủy Hoàng dùng Lã Bất Vi làm Tể tướng, sau đó bãi chức họ Lã và dùng Lý Tư, một môn sinh của Tuân tử thuộc phái Pháp gia. Trong phái Pháp gia người giỏi hơn cả là Hàn Phi tử, bạn học của Lý Tư, rất được Tần Thủy Hoàng khâm phục vì nghe tiếng  và có đọc được sách của Hàn nhưng chưa từng gặp gỡ. Bộ Sử kí của Tư Mã Thiên viết về ông ta: “Cùng với Lý Tư, học ở Tuân Khanh. Tư coi không bằng Phi” (Quyển 63; Phùng Hữu Lan, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, dịch giả Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1998, trang 165). Vì đố kị tài năng, Lý Tư đã gièm pha Hàn Phi tử khi ông này tới đất Tần và ngày càng được nhà vua trọng đãi. Sau đó ít lâu, do số phận trớ trêu, Hàn Phi tử bị tống giam và bỏ mạng trong ngục tối vào năm 223 trước C.N. (Còn Tiếp)
 

 

Bài bình luận

Bài viết có nhiều giá trị vì luôn luôn có tài liệu gốc kèm theo để độc giả dễ dàng tham khảo hay tìm hiểu thêm. Quang Nguyễn Falls Church, VA