You are here

Bầu cử Tổng thống Mỹ - Một góc nhìn từ đồng minh Đông Âu (kỳ 1)

Marcin Mazur - Lê Diễn Đức dịch

 
Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Texas ngày 29 tháng 5, Mitt Romney đã nhận đủ số lượng cử tri đoàn (1144) cho đại hội của đảng để trở thành ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ chính thức của đảng Cộng Hòa. Chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn quyết định. Cả hai chính trị gia đi vào đợt sóng cuối cùng đang gia tăng nhiệt độ. Chúng ta hãy nhìn nhận sự khác biệt quan trọng nhất trong quan điểm của họ.
 
Con người của sự lôi cuốn - Con người của thất vọng
 
Chủ đề chính của chiến dịch bầu cử ở Hoa Kỳ là tình trạng kinh tế của đất nước. Trong lĩnh vực này đương kim Tổng thống đang nằm ở vị trí tồi tệ hơn nhiều, bởi vì cả đối thủ của đảng Cộng Hòa lẫn công dân Hoa Kỳ đều đổ trách nhiệm cho ông trong nhiệm kỳ qua. Mitt Romney nằm ở vị trí tốt hơn bởi vì những tuyên bố và hứa hẹn của ông chưa có thời gian kiểm chứng.
 
Trong con mắt của cử tri Hoa Kỳ, đương kim tổng thống phải lãnh trách nhiệm về tình trạng hiện tại của nền kinh tế đất nước. Trong bối cảnh này, nhiều hay ít ảnh hưởng của tổng thống lên quy mô cuộc khủng hoảng tài chính không có ý nghĩa. Người Mỹ cho rằng tình hình xấu đi trong nước đương nhiên thuộc trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước. Cuộc khủng hoảng tài chính tác động lên tầng lớp trung lưu, tầng lớp lớn nhất đã từng nhìn thấy ở Obama một cơ hội mở cửa mới cho Hoa Kỳ, và do đó là chiếc cầu nối các khoảng cách xã hội, tài chính và chủng tộc đang chia rẽ và phân hoá xã hội.
 
Trong bối cảnh này, nhiệm kỳ của Obama dường như là một thất vọng lớn. Barack Obama đã không làm giảm được tỷ lệ 10% thất nghiệp gần như liên tục bằng cách qua các gói kích thích kinh tế, cũng như đã không có cố gắng nào chống lại sự bất bình đẳng xã hội đang phát triển. Nhiệm kỳ của Obama không ngăn chặn được xu hướng giảm thiểu tầng lớp trung lưu, trong khi giới giàu có nhất và nghèo nhất tăng lên. Khoảng cách chênh lệch tách biệt hai tầng lớp xã hội không ngừng gia tăng.
 
Trong con mắt của tầng lớp trung lưu, Obama đã lừa dối họ. Ông đã lừa họ bằng những công thức trơn tru về cơ hội bình đẳng cho tất cả mà ông đã đưa ra trong cuộc bầu cử, còn sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống ông đã bơm tiền cho các ngân hàng lớn nhất, bỏ quên tầng lớp trung lưu, những người tự mình phải đối phó với cuộc khủng hoảng. Hình ảnh này đơn giản hóa là ông đã làm thất vọng các cử tri, những người trong lần bầu cử tổng thống cuối cùng đã đóng góp vào chiến thắng của Barack Obama. Một câu hỏi còn để ngỏ là, phải chăng các cử tri vỡ mộng sẽ bầu cho đối thủ đảng Cộng Hòa, hay là bất chấp tất cả, trong ánh sáng của những gì được Mitt Romney đề xuất, họ vẫn cắn răng và một lần nữa sẽ ủng hộ đảng Dân Chủ?
 
Thành tích Lớn nhất của Barack Obama trong con mắt của những người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm, là cải cách chăm sóc sức khỏe sẽ mang lại kết quả có thể nhìn thấy trong tương lai. Tính đến hôm nay, những người chỉ trích Obama chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng tài chính không phải là thời điểm tốt nhất cho một cuộc cải cách chăm sóc sức khỏe tốn kém. Thay vào đó, ông chủ Toà Bạch Cung nên tập trung vào giảm nhẹ cuộc khủng hoảng tài chính mà mỗi công dân bình thường đều cảm thấy bị hệ lụy trong tương lai gần.
 
Mang thất vọng về nhiệm kỳ của Barack Obama còn có cả cánh cực đoan của đảng Dân Chủ, trong đó cánh này cáo buộc tổng thống đương nhiệm không có kế hoạch để kích thích nền kinh tế thông qua hệ thống các công trình công cộng và các dự án xây dựng lớn, như các New Deal của Franklin D. Roosevelt, một mặt tạo ra việc làm mới, và mặt khác sẽ đóng góp vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của đất nước. Trong bối cảnh này, một lần nữa lỗi lầm lớn là khoản tiền khổng lồ từ các gói kích thích kinh tế đã chạy vào các ngân hàng. Bất lợi thêm cho Tổng thống còn là ảnh hưởng từ việc giám đốc và ban điều hành các doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ tài chính đã nhận những khoản tiền thưởng cao vót. Vì thế, cử tri đã tỏ thái độ phẫn nộ với Obama rằng, khi tài trợ cho các tổ chức tài chính, chính phủ đã không áp đặt bất kỳ hạn chế nào về định mức và điều kiện trả lương, tiền thưởng. Một lần nữa những lời của Tổng thống trong chiến dịch tranh cử về những "con mèo mập trên Wall Street", chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng cần thiết phục vụ cho cho chiến dịch tranh cử.
 
Kinh tế - cuộc đối đầu của những tuyên bố đối nghịch
 
Mức độ sôi động của các cuộc tranh luận vài tháng trước ngày bầu cử đều đặn tăng lên. Đến ngày hôm nay chúng ta có thể giả định rằng những tuần cuối cùng của chiến dịch sẽ vừa nóng, vừa phong phú với những lời tuyên bố mạnh mẽ được chuyển tải chủ yếu qua quảng cáo trên truyền hình và Internet. Tất cả nhờ Tòa án Tối cao trong tháng 1 năm 2010, đã ra tuyên bố về những vi phạm đáng kể trong các quy định hiện hành liên quan đến chiến dịch tranh cử. Tòa án Tối cao đã thừa nhận Uỷ ban hành động chính trị được gọi là Super PAC, về mặt chính thức được xem là độc lập với các ứng viên tổng thống, nhưng các ủy ban này có thể hỗ trợ các ứng viên theo sự lựa chọn của mình. Các điều kiện độc lập mà Tòa án Tối cáo xác quyết làm cho nó có tính khai phóng, qua đó các ứng viên có thể làm tăng đáng kể ngân sách bầu cử. Cần lưu ý rằng, các nguồn lực tài chính của Super PAC có thể đến từ bất kỳ nhà tài trợ nào, với mức nào, khác với các ủy ban bầu cử chính thức phải minh bạch số tiền và nguồn gốc của những đóng góp cho chiến dịch.
 
Chủ yếu sử dụng vũ khí được mô tả ở trên, cả hai ứng cử viên chạy đua gay gắt trong chiến dịch vận động. Tổng thống đương nhiệm tấn công ứng viên của đảng Cộng Hòa về hoạt động của ông tại hãng Bain Capital, một quỹ cổ phần tư nhân chuyên xử lý tái cơ cấu các doanh nghiệp kinh doanh sút giảm. Tổng thống đương nhiệm cố gắng mô tả Mitt Romney trong hình ảnh của nhà tư bản tàn nhẫn kiếm tiền từ lao động của công dân bình thường. Hiện tại, Ủy ban bầu cử của Obama đang soi vào giai đoạn tiếp theo trên con đường danh vọng của Mitt Romney trong vai trò Thống đốc bang Massachusetts (có thể biết thêm về điều này trong bài viết của Amy Gardner trên The Washington Post).
 
Bản thân Barack Obama định vị mình trước đối thủ như là người bảo vệ tầng lớp trung lưu. Mitt Romney, tuy nhiên cũng đáp trả bằng những khẩu hiệu không kém phần mị dân rằng, đương kim tổng thống phá hủy các công ty Mỹ, cố gắng thực thi chủ nghĩa cộng sản tại Mỹ, và không hiểu biết nhiều về kinh tế, được chứng minh qua tình trạng kinh tế hiện tại của đất nước.
 
Mitt Romney đang gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng ông là một người quản lý có kinh nghiệm, đã làm việc tốt trong việc quản lý nhiều công ty và cũng là một cách tốt để quản lý đất nước trong thời gian khủng hoảng. Như thêm bằng chứng về khả năng quản lý của mình ông nói về giai đoạn làm Thống đốc tiểu bang Massachusetts, mà thậm chí một số nhà phê bình ông cũng phải xem nó là một thành công. Mitt Romney đang cố gắng gắn Barack Obama Barack với một hình ảnh nền kinh tế chắp vá. Quả bóng bị đá trở lại từ tổng thống đương nhiệm là hiện trạng tài chính của chính phủ chính là một "cú rớt" sau tổng thống cuối cùng của đảng Cộng Hòa do tăng ngân sách quân sự và gây ra hai cuộc chiến tranh tốn kém. Obama, qua cuộc tấn công vào George W. Bush cũng gây ảnh hưởng cho Mitt Romney, người đang có chương trình bầu cử có nhiều yếu tố chung với chính sách của tổng thống đảng Cộng Hòa trước đây, cũng như các cố vấn của cựu Tổng thống Bush hiện đang làm việc cho Romney.
 
Chương trình kinh tế của hai ứng cử viên khác nhau như lửa và nước. Barack Obama một lần nữa mang chiếc mặt nạ được biết từ cuộc bầu cử tổng thống trước và cố gắng thể hiện như là một người bảo vệ các công dân bình thường. Ông ủng hộ tăng chi tiêu nhà nước nhắm mục tiêu đến những người nghèo nhất, gia tăng mức thuế đối với những người có mức thu nhập cao nhất (được gọi là quy tắc Buffett, theo đó những người có thu nhập trên 1 triệu đô la mỗi năm phải trả ít nhất thuế thu nhập 30%) và vai trò năng động của nhà nước trong nền kinh tế.
 
Mitt Romney, tập trung trên tuyến được xác định bởi Ronald Reagan và tiếp tục duy trì chính sách của tất cả các Tổng thống của đảng Cộng Hòa, cố gắng để trình bày mình như một người am hiểu tích cực về các doanh nhân lớn, những người tạo ra công ăn việc làm. Ứng viên Cộng hòa cũng gống như Obama đang cố gắng thuyết phục tầng lớp trung lưu Mỹ, giới có tác động lớn nhất về kết quả bầu cử rằng, ông làm lợi cho công việc của họ, nhưng không bằng cách gia tăng lợi ích an sinh xã hội như đề xuất của Barack Obama, mà bằng cách tạo điều kiện thuận lợi và những ưu đãi thuế cho các doanh nhân là những người sẽ tạo ra công ăn việc làm. Mitt Romney nhấn mạnh sự cần thiết cắt giảm chi tiêu nhà nước cho các mục đích xã hội, nới lỏng các quy định pháp lý liên quan đến kinh tế và cắt giảm thuế cho người giàu nhất và đưa vào những ưu đãi cho các doanh nhân, được xem là những yếu tố để kích thích tăng trưởng.
 
Phân tích các biện pháp kinh tế của các ứng cử viên cần lưu ý rằng, cả hai người, Barack Obama và Mitt Romney chủ yếu dựa trên cơ sở tư tưởng hơn là kinh nghiệm. Tổng thống đương nhiệm bướng bỉnh như cối xay trong việc ủng hộ tăng chi tiêu nhà nước để kích thích nền kinh tế, hoàn toàn quên rằng gói kích thích kinh tế nổi tiếng của ông đã chảy vào nền kinh tế Mỹ và những ảnh hưởng của nó tới hôm nay vẫn chưa nhìn thấy. Nước Mỹ hiện thời có thể không đủ khả năng cấp thêm một lượng tiền tương tự để kích thích nền kinh tế. Trung Quốc, quốc gia đang sở hữu số lượng lớn nhất chứng khoán Mỹ, cũng như giữ tiền tiết kiệm của họ bằng đông đôla Mỹ, trong gói kích thích kinh tế đầu tiên đã qua mặt các bước thực hiện của Washington. Làm thế nào để đôi phó? Dương như có mối đe dọa của Trung Quốc qua việc chuyển đổi tiền tiết kiệm từ đồng đôla sang đồng euro, nhưng trong ánh sáng của sự phát triển hiện tại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu thậm chí còn mơ hồ hơn bốn năm trước đây, nhưng điều này không có nghĩa rằng Mỹ hoàn toàn có thể bỏ qua mối đe dọa này.
 
Các định đề của Mitt Romney có vẻ thiếu nhất quán. Một mặt, ứng cử viên Cộng Hòa kêu gọi hạn chế ngân sách cho phúc lợi xã hội và cắt giảm thuế kết hợp với hệ thống ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp, mặt khác ông chỉ trích Barack Obama giảm ngân sách quân sự trong khi bản thân ông hứa sẽ tăng. Mitt Romney dựa trên các phương thức mà đảng Cộng Hòa thúc đẩy tương tự ít nhất từ ba mươi năm nay.
 
Không ai trong số các ứng cử viên trình bày được ý tưởng rằng sẽ đem lại hy vọng cho một giải pháp nhanh chóng với các vấn đề kinh tế của đất nước. Barack Obama đề xuất sự can thiệp của nhà nước, mà đã nhìn thấy không mấy tác dụng (xem các gói kích thích kinh tế) và làm tăng thâm hụt ngân sách. Mitt Romney dựa trên các giáo điều chính thống của cánh hữu Mỹ, bản thân không đưa ra bất cứ điều gì mới, ngay cả lời đáp cho câu hỏi liệu ngân sách quân sự cồng kềnh có thể được giảm không, mặc dù chỉ mang tính trang điểm.
 
Kỳ 2: Chính sách đối ngoại: Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Trung Đông và vai trò của Liên minh Quân sự Bắc đại Tây Dưong NATO.
 
Bản việt ngữ © Lê Diễn Đức - RFA Blog
-------------------------------------
 
* Bài viết đăng trên tờ "Nhữngnhận định của tôi", chuyên bình luận về các sự kiện chính trị xã hội trong và ngoài nước của Ba Lan tại link: http://www.mojeopinie.pl/wybory_prezydenckie_w_usa_walka_przeciwienstw,3... - Tiêu đề bài là của người dịch.