You are here

Quyền lợi: đặc thù Việt Nam, nghĩa vụ: mặt bằng thế giới

Ảnh của nguyenhuuvinh

Theo dõi trên báo chí của nhà nước, mỗi khi có ai nói đến Việt Nam về quyền lợi của người dân như nhân quyền, dân chủ hoặc tự do tôn giáo, các chế độ, chính sách ảnh hưởng đến đời sống nhân dân v.v… thì chúng ta thường nghe được các cơ quan ngôn luận, người phát ngôn hoặc các bài báo nêu rất rõ rằng đất nước Việt Nam có những đặc thù riêng. Rằng: Việt Nam là một nước nghèo, mới qua chiến tranh (mới có hơn 35 năm) đời sống nhân dân còn lạc hậu, dân trí thấp, nền kinh tế Thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa còn non kém, chưa phát triển… Đó là những đặc thù riêng mà chỉ có đất nước Việt Nam có nên các giá trị phổ quát về nhân quyền, quyền tự do dân chủ chưa có thể đưa áp dụng vào Việt Nam một cách máy móc như các nước khác.

Quyền lợi: Đặc thù của Việt Nam
 
Những đặc thù riêng đó là gì? Đồng lương của người lao động Việt Nam thấp, hiện tại lương tối thiểu phải trả cho công nhân được quy định là 830 ngàn đồng/tháng (tương đương khoảng 37 dola). Tính ra, mỗi giờ lao động của người công nhân Việt Nam được trả tối thiểu là 0.2 dola (20 cent).
Với đồng lương đó, người công nhân không ăn, không mặc, cũng chưa đủ mua hai bình gas để đun nước sôi uống trừ bữa. Hoặc mua được hơn 6kg thịt lợn là hết. Trong khi đó, để tồn tại được, họ cần có ăn, mặc, ở và những nhu cầu cá nhân, tập thể khác.
Vì sao nhà nước cứ giữ mức lương tối thiểu như vậy, thì chỉ có nhà nước biết. Tuy nhiên, người dân biết rất rõ rằng: Người công nhân, đi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài, họ căn cứ vào mức lương tối thiểu đó để bắt đầu trả lương. Có thể nói không bao giờ họ vi phạm luật lệ về chế độ lương khi trả tối thiểu 830.000/tháng/người. Phần còn lại, hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu công việc mà ông chủ quy định cho các công nhân đang bán sức lao động của mình như thế nào. Chính đây là điều kiện cho các ông chủ có uy quyền tối thượng với công nhân hoặc nhiều hành động dã man, man rợ như đã thấy. Đó là đặc thù riêng của Việt Nam?
Mỗi năm, nhà nước cứ lần lượt tăng lương tối thiểu theo từng mức nhỏ giọt. Nhưng đúng như gần trăm năm trước Tú Mỡ đã nói:
Quan được tăng lương dân cũng tăng
Tăng sưu tăng thuế đến nhăn răng[i]

Người dân Việt Nam bất kể công nhân hay cán bộ công chức (Những người không có mối để kiếm chác trục lợi, hối lộ hoặc tham nhũng) luôn sợ những kỳ tăng lương. Nghịch lý ư? Không, chỉ vì lương chưa kịp tăng, thì giá đã tăng vọt phi mã. Tăng lương luôn đồng nghĩa với việc tăng giá và các sinh hoạt trong đời sống xã hội, do vậy đồng lương thực tế đã còi cọc lại đi xuống thảm hại.
Mà khi giá đã tăng, thì chẳng bao giờ ngừng lại hoặc quay về vị trí cũ. Chỉ tiếc rằng, cái đỉnh giá cả tăng lên không biết khi nào dừng lại và nó không phải là đỉnh vinh quang, hay trí tuệ nhân loại để tự hào. Trái lại, đó là nỗi lo lắng thường trực từ bao chục năm nay của mỗi người dân sống trong Thiên đường Xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta.
Việc tăng giá là chủ đề hoàn toàn không mới, nó có cách đây cả nửa thế kỷ có thừa, giá cứ tăng, đồng tiền cứ thế xuống giá. Cuộc sống người dân Việt Nam mấy chục năm nay cứ vật lộn với Giá – Lương – Tiền vẫn chưa hề dứt. Còn nhớ những năm 80 của thế kỷ trước, vùng Nghệ Tĩnh đã có những câu đối chua chát như sau:
Năm Tám mươi, gạo cũng tám mươi, người Xứ Nghệ mắt vàng như nghệ.
Đảng Năm mươi, thịt lên năm mươi, dân Làng Đỏ tim bầm máu đỏ[ii].

Ngày nay, khi đảng đã 82, thịt lên 120 thì chắc chẳng ai còn thèm ngồi đặt câu đối nữa.
Đấy là đời sống người ăn lương. Còn người nông dân một nắng hai sương thì chẳng cần nói đến nhiều, họ nhìn đời sống công nhân, công chức cứ như dưới vực nhìn lên trời xanh. Hàng đoàn, hàng lũ con em họ cứ thế nối đuôi nhau vào các nhà máy, công xưởng của các nhà tư bản nước ngoài đầu tư tại Việt Nam để được bóc lột, để được nhận những đồng lương và cuộc sống nói trên. Phần còn lại, cắm mặt xuống đất, bán lưng cho trời không đủ đút miệng, làm được chút nông sản thì nay lụt, mai bão. Thậm chí có làm ra được chút sản phẩm thì hoặc bị chèn giá, hoặc có bán đi không đủ chi phí thu hoạch đi bán nên phải để thối ngoài đồng
Chỉ chừng đó cũng đủ nói lên đời sống kinh tế của người dân Việt Nam từ người công nhân, công chức ăn lương đến người nông dân.
Đó là đặc thù riêng của đời sống kinh tế Việt Nam. Và về quyền lợi, nhiều người dân phải chịu cảnh “đặc thù riêng” đó cứ triền miên đời này sang đời khác. Khi người dân đang lo kiếm miếng ăn, thì ít ai nghĩ đến những giá trị tinh thần và nhân bản.
Chính ” đặc thù riêng đó” cũng là lý do để nhà nước dùng giải thích cho đời sống chính trị của Việt Nam khi có ai đòi hỏi về các quyền lợi của người dân.
Nghĩa vụ: Mặt bằng thế giới

Tất nhiên, với  mức lương tối thiểu như vậy nhưng một số cán bộ nhà nước lại có thể mua xe xịn, mua nhà, mua đất và nhiều thứ khác. Tiền ở đâu ra, làm cách nào thì chắc chỉ có cán bộ biết mà thôi. Con số những người này, so với số dân, chỉ là con số nhỏ, nhưng tài sản xã hội thì họ chiếm tỷ lệ lại rất lớn.
Oái oăm thay, chính những người trong số này là những người đưa ra các chính sách xã hội, quản lý xã hội và nhân dân. Có lẽ họ luôn nghĩ rằng mọi người dân đều như họ, đều có trong nhà tiền rừng, bạc biển và tài sản tự đâu chui đến, nên họ đưa ra những chính sách rất… “đặc thù” và tư duy của họ cũng hết sức đặc thù như vậy.
Mỗi lần muốn lần những đồng cắc của người dân khốn khổ, những người hoạch định chính sách rất vô tư và thoải mái trích dẫn, so sánh mạng miệng với mặt bằng giá cả thị trường thế giới.
Xăng dầu tăng ư? Không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống nhân dân vì chỉ có tăng mươi phần trăm. Giá này cũng chỉ tương đương với giá trên thị trường Mỹ hoặc các nước khác như châu Âu hoặc trong khu vực, thậm chí còn rẻ hơn.
Điện tăng ư, không đáng kể vì chỉ tăng có mấy phần trăm, so với giá thế giới vẫn còn thấp hơn giá trong khu vực. Thực tế là ông điện lực đã tính ăn gian khi giá điện cao nhất khu vực.
Giá xe ô tô đắt nhất thế giới ư? Cao gấp 3 lần Châu Âu ư? Thì cũng chỉ gấp ba lần giá xe ở Mỹ là cùng và đó là do “đặc thù Việt Nam”.
Viện phí tăng ư? Chỉ gấp 6 lần là cùng, còn bảo hiểm y tế không tốt ư? Ít tiền sao tốt được?
Thậm chí, hài hước hơn là ông nghị Đỗ Văn Đương còn tuyên bố rất to giữa Quốc hội như sau: “Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn nên không thể nói ta lạm phát cao nhất khu vực”. Đúng là “đặc thù riêng có” của ông nghị Việt Nam. Ông ta không cần rằng, khi người ta ăn những đĩa rau muống 200.000 đồng Việt Nam, thì thu nhập của họ hàng tháng con số tính ra là cả ngàn đô la.
Ông ta đã không hiểu rằng, những người được ăn đĩa rau muống 200.000 đồng đó, chỉ là những ông Nghị được đi nước ngoài bằng tiền ngân sách, có trong nhà rủng rỉnh tiền bạc mà không phải lội ruộng để căm cụi làm ăn cuối mùa tính ra là… lỗ.
Thế rồi các loại thuế, các loại phí cứ tha hồ khép theo giá của “mặt bằng thế giới và khu vực” mà những người hoạch định chính sách đã quên đi người dân Việt Nam đang được hưởng quyền lợi và có cuộc sống rất “đặc thù Việt Nam”.
Không chỉ có thế, có lẽ chỉ có ở Việt Nam, phí chồng lên phí, thuế chồng lên thuế… tất cả vào giá thành và người dân cứ thế hưởng trọn giá trị của “Mặt bằng thế giới”.
Người ta không lạ gì với những cách giải thích rất “đặc thù Việt Nam” nói trên của quan chức. Chỉ vì đến khi khát những đồng tiền đổ vào những cái túi tham nhũng vô đáy ở các dự án, nuôi bộ máy cồng kềnh không chỉ là song trùng mà là 3 trong 1 gồm (Đảng – chính – Công thanh, đoàn thể…) này, bù đắp vào hàng đống những lãng phí, thua lỗ ở “các quả đấm thép” của các doanh nghiệp nhà nước như Vinashin thì buộc phải lần đến những đồng cắc cuối cùng trong túi người dân. Mặc cho người dân rên xiết bởi những quả đấm như trời giáng vào mặt:
Còn manh khố rách càng thêm rách
Đời sống lầm than ai thấu chăng[iii]

Và cái đặc thù kia cứ còn tồn tại, thì người dân Việt Nam còn nhận được nhiều lời giải thích tương tự cho đến lúc xuống mồ.
Thực chất của những điều nó trên đây, nó chỉ vì Việt Nam đang được hưởng một “Đặc thù riêng” là có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam” đưa dân tộc đi lên Chủ nghĩa Xã hội, là con đường đã được “đảng và bác hồ lựa chọn”.

[i] Quan được tăng lương  -  Thơ Tú Mỡ

[ii] Làng Đỏ: Tên một địa danh ở Hưng Nguyên, nơi có phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh

[iii] Quan được tăng lương  – Thơ Tú Mỡ
 Ngày 23/3/2012

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh