You are here

Còn chỗ nào cho Nhân Dân?

Trong thời đại Cộng sản, ở Việt Nam, khái niệm Nhân Dân có vẻ như lúc nào cũng được viết hoa, cũng được vinh danh: Báo Nhân Dân, Nghệ sĩ Nhân dân, Giáo viên Nhân Dân, Nhà giáo Nhân Dân, Bác sĩ Nhân Dân, Thầy thuốc Nhân Dân, Cán bộ Nhân Dân… Kính thưa các loại Nhân Dân! Thế nhưng, cái khái niệm tưởng chừng được đặt lên hàng đầu này lại bị méo mó, hay nói khác đi là bị lợi dụng, bán rẻ và chịu nhiều thiệt thòi nhất, sự thiệt thòi không nằm ở vị thế, đối tượng gắn với nó mà nằm ngay nội hàm hai chữ Nhân Dân. Có thể nói rằng chưa bao giờ Nhân Dân lại đau khổ và mất đường sống như bây giờ!
 
Nhìn ra Biển Đông, một màu xám xịt, chẳng có chỗ nào là bình an cho Nhân Dân (ở đây được hiểu là ngư dân, vì đại bộ phận dân lao động Việt Nam đều nằm gọn trong hai chữ Nhân Dân to tướng này!), sắp tới, nguy cơ bị bắt một cách “hợp pháp” trên Biển Đông lại tăng thêm nỗi thống khổ cho bộ phận Nhân Dân này.
 
Nhìn lại những đầy tớ nhân dân và những ngôi mộ của đầy tớ nhân dân như Hồ Chí Minh chẳng hạn, ông ta thuộc vào loại đầy tớ số một của nhân dân, lăng của ông rộng vài chục ngàn mét vuông giữa thủ đô Hà Nội, nơi giá đất đắt hơn vàng, đó là chưa kể đến khu bảo tàng nằm gần lăng của ông ta, rộng cũng vài ngàn mét vuông, trong đó “bảo tàng” những gì? Vài cái bát bằng kim loại, nói là do đồng bào dân tộc thiểu số tặng, vài bộ áo quần kaki, vài cái giường, vài đôi dép… Nói chung, toàn là những thứ mà nhân dân ngửi vào là ăn mất ngon. Cái lăng và cái bảo tàng lại che lấp mất chùa Một Cột, biến ngôi chùa cổ kính, mang dáng vẻ huyền sử và đã đi vào lịch sử dân tộc trở thành một cây tầm gửi nhỏ nhoi giữa khu vực lăng rộng mênh mông và xa xỉ này!
 
Chỉ riêng bà bán cửa hàng hoa ngay trước cổng lăng cho biết thu nhập không thôi cũng đủ phát sốt: “Mỗi ngày tôi bán từ năm triệu đồng đến bảy triệu đồng tiền hoa, phần lớn là các đoàn cán bộ khắp các tỉnh thành đến thăm, ngày nào cũng có hai, ba đoàn. Thăm lăng Bác vốn là niềm tự hào của đảng viên mà! Trung bình tôi kiếm lãi từ ba đến bốn triệu đồng mỗi ngày từ tiền hoa”. Chỉ mới hoa thôi, chưa kể đến chi phí chăm sóc, bảo vệ cái xác của ông “đầy tớ số một” này, rồi tiền nuôi đội cảnh vệ gồm ba đại đội luân phiên canh gác, chi phí mỗi ngày, theo một cán bộ bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết là trên một tỉ đồng. Vị chi mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm tỉ đồng. Một con số không hề nhỏ tí nào!
 
Con số này càng trở nên lớn một cách khủng khiếp đối với những ngư dân đang mất dần phần biển đánh bắt trên Biển Đông. Vì sao lại nói thế? Khoản nào ra khoản đó, nhà nước nào, chính phủ nào cũng có những khoản ngân sách riêng biệt cho từng mục tiêu khác nhau, so sánh như vậy hóa ra nhập nhằng và đánh đồng? Nhưng, trong vấn đề này, nếu như ngân sách Việt Nam đủ giàu, đủ để chi các khoản phúc lợi xã hợi, hỗ trợ kinh tế cho người dân một Cách sòng phẵng thì những khoản trên đây hoàn toàn không đáng kể. Nhưng đất nước đang trong nạn tham nhũng phì đại, kẻ ngoại xâm rình rập ngày đêm, nhân dân còn đói khổ và phải đối đầu với nhiều tai ách. Điều này bắt buộc mọi khoản chi tiêu đều phải căn cứ trên nền tài chính quốc gia để cân đối và dựa vào lương tri nhà nước để điều tiết. Nhưng, dường như không có tố chất và động thái này trong nhà nước Cộng sản Việt Nam, và trên hết, cái chủ nghĩa xây dựng thần tượng, mị dân bằng thần tượng để biến một con người bình thường, nếu không nói là đầy rẫy tội lỗi trở thành một bồ tát, trở thành bình phong chế độ đã khiến cho rất nhiều tiền của, xương máu tích cóp thành đồng thuế, rồi thành ngân sách quốc gia đổ lên cái xác vô nghĩa của ông Hồ Chí Minh một cách không thương tiếc (Nhân Dân)!
 
Chỉ cần đặt một ví dụ nhỏ, nếu mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm tỉ đồng này dành cho ngành hải quân, biển đảo, tăng cường cơ số lính, nâng cấp vũ khí, đầu tư cho ngư dân trang bị vũ khí phòng vệ… Thì đâu đến nỗi quân đội Việt Nam, hải quân Việt Nam được xem là loại quân đội lạc hậu nhất trên Biển Đông và ngư dân Việt Nam bị xem là loại nhược tiểu, sợ chết, dễ bỏ chạy, thuyền bè lạc hậu thuộc bậc nhất khu vực như hiện nay. Như đã nói trên, khoản nào ra khoản đó. Nhưng với tương quan một bên đổ tiền bạc tỉ để bảo vệ, chăm sóc một cái xác hoàn toàn vô nghĩa, một bên là những con người đang ngày đêm chong mắt bảo vệ tổ quốc, biển đảo nhưng lại lạc hậu, thiếu tốn, thậm chí ăn mắm mút dòi thì chẳng còn gì để vô lý hơn. Vì khi giặc Tàu sang đến Hà Nội, chắc chắn cái lăng ông Hồ không thể xua được bất kì một thằng lính Tàu nào. Và khi giặc Tàu lộng hành trên Biển Đông, cái lăng ông Hồ cũng chỉ là khối đá vô tri, vô giác và… vô duyên!
 
Đó là chuyện một bộ phận Nhân Dân gọi là ngư dân, quân nhân giữ đảo và cái lăng ông Hồ Chí Minh, chuyện trên biển và trên thủ đô. Cũng chuyện thủ đô, nhưng với đất liền thì càng tội lỗi hơn nhiều, đi dọc theo dãy Trường Sơn, nhìn những dòng sông kẽ răng lược chảy dọc về Biển Đông, trừ những con sông quá nhỏ, còn lại, dường như sông nào cũng có vài ba công trình thủy điện lớn, nhỏ củng cái túi nước khổng lồ của nó. Nhìn ra xa một chút, Nhân Dân nằm, ngồi la liệt dưới những cái túi nước này trông chẳng khác nào đàn kiến nằm nhỏ nhoi dưới cái máng xối bị kẹt.
 
Những công trình thủy điện này do ai xây? Xây như thế nào? Hơn 80% nhà thầu xây dựng và công nhân thực hiện các công trình thủy điện này là Trung Quốc, và như thế, cũng đồng nghĩa với hơn 80% tiền bạc trong giai đoạn đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện sẽ chảy về Trung Quốc. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam thất nghiệp đầy rẫy, sinh viên tốt nghiệp đại học phải đi làm mướn, làm trái chuyên môn, thậm chí phải đi rửa chén cho nhà hàng, bưng thức ăn, bưng cà phê. Đại bộ phận thanh niên trong tuổi lao động không có việc làm, không có tương lai. Trong số này, một ít khoắn tiền (có cả tiền đền bù đất đai) của cha mẹ, ăn chơi sa đọa, trác táng, dẫn đến hút chích, trộm cướp, giết người… Điều này vô hình trung ám gợi đến câu hỏi: Xây như thế nào? Thứ nhất, để có được hợp đồng xây dựng các công trình, nhà thầu phải đi đêm, lót túi cho cán bộ nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp trung ương, tùy thuộc vào tầm vóc công trình mà nhét túi, và, trong thứ văn hóa lót túi này, nhà thầu Trung Quốc có vẻ thắng thế mọi nhà thầu các quốc gia tiến bộ. Phần khác, chính sự chỉ đạo từ trung ương xuống, chính mối quan hệ “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” giữa chính quyền Cộng sản Việt Nam (mà trên một nghĩa nào đó là chính quyền chư hầu Cộng sản Trung Quốc tại Việt Nam) với chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã dẫn đến một thứ trung ương khác ở phương Bắc điều khiển trung ương nhỏ phương Nam để chỉ đạo, tạo điều kiện cho nhà thầu phương Bắc Trúng thầu.
 
Hệ quả của việc này là hàng loạt thủy điện xuống cấp mau chóng, trở thành tai họa treo trên đầu Nhân Dân. Thân phận Nhân Dân còn nhỏ hơn con sâu, cái kiến. Trong chuyện này, kẻ được lợi nhất vẫn là nhà nước Cộng sản Trung Quốc và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Và độc đáo nhất là cả hai nhà nước này đều có chung luận điệu rằng họ chỉ là “đày tớ của nhân dân”! Gần đây, thêm công trình điện hạt nhân Ninh Thuận, nguy cơ và hậu quả của công trình này là có thể xóa trắng cộng đồng người Chăm còn sót lại trên lãnh thổ của ông bà họ để lại. Và trong công trình này, chưa chắc đã không có mặt nhà thầu Trung Quốc?!
 
Trên một đất nước mà đại bộ phận Nhân Dân còn nghèo khổ, thiếu thốn mọi bề, nhưng nhìn ra biển, thấy Trung Quốc, nhìn lên núi, thấy Trung Quốc, nhìn qua đồng bằng, thấy Trung Quốc, nhìn lên tivi, thấy Trung Quốc, nhìn đâu cũng thấy Trung Quốc và Trung Quốc có thể đánh đập, bắt nạt, dày xéo, hành hạ Nhân Dân bất kì giờ nào. Nhưng nhà nước thì vẫn bắt tay, nói cười, hữu hảo với Trung Quốc, thậm chí làm tôi đòi cho nhà nước Trung Quốc. Vậy thì còn chỗ nào cho Nhân Dân dung thân?
 
 

Bài bình luận

cán bộ thường tán nhau: tớ là đày tớ trung thành của nhân dân. tớ đang phấn đấu để có được cái lăng như bác kính yêu! càng làm đày tớ, đất càng rộng,haha

Ho Chi Minh chet ma khong duoc chon phai nam phoi xac vi mang 1 chu nghia tan ac de dan ap va thong tri nhan dan Viet Nam theo chi thi cua Trung Quoc de bao ve dam Tu San Do, tac gia bai nay viet rat hay va cung rat can dam dam noi len su that truoc 1 dang doc tai.