You are here

Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa đất nước đi về đâu?

Kami
-
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng được đại hội lần thứ XI của đảng CSVN tín nhiệm giao cho nắm cương vị Tổng Bí thư đảng CSVN, thì dư luận xã hội vẫn không tin tưởng và hoài nghi về vai trò lãnh đạo của ông đối với đảng CSVN. Vốn dĩ là một nhà giáo theo đuổi con đường chính trị, vì vậy người ta nghĩ rằng ông Tổng Bí thư sẽ là một con người mang nặng tính lý thuyết và lý luận, khó có thể đảm nhận được trọng trách này.

Nhưng mọi sự hoài nghi đối với ông tân Tổng Bí thư cũng nhanh chóng bị xóa bỏ ngay sau khi Hội nghị Trung ương 4 - Khóa XI ra nghị quyết về việc chỉnh đốn đảng. Cuộc chỉnh đốn đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của ông Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng được nhiều người dân kỳ vọng, họ cho rằng sẽ là một cuộc tắm rửa toàn diện, quyết liệt và họ có rất nhiều sự kỳ vọng vào sự đột phá chưa từng có trong lịch sử đảng CSVN. Ngay sau đó dư luận xã hội được hâm nóng lên từng ngày, từng giờ về hội nghị phê bình và tự phê bình của các Uỷ viên Bộ Chính trị, mà trọng tâm là cuộc chiến Ba - Tư, thực chất là cuộc đấu đá trong nội bộ lãnh đạo cao cấp đảng CSVN. Trong bối cảnh xã hội, khi mà chỉ số tín nhiệm của người dân đối với đảng CSVN cũng đã xuống thấp chưa từng có, bởi những hậu quả của một chuỗi các vụ bê bối tài chính, tình trạng bất ổn kinh tế và các vụ tham nhũng tày đình với một số lượng tài sản thất thoát khổng lồ, nhưng không có ai chịu trách nhiệm và bị xử lý. Cộng với sự thoái hóa, biến chất về đạo đức và lối sống của một bộ phận lớn đảng viên đảng CSVN đã khiến không ít người lạc quan và cho rằng cuộc tổng chỉnh lý đảng lần này sẽ có những quyết định hợp với lòng dân mong mỏi. Nhưng thực ra cốt lõi của vấn đề là một số lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN muốn thông qua cuộc chỉnh đốn này để triệt hạ chức vụ Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng và đồng thời tăng thêm quyền lực cho chức vụ Chủ tịch nước, Tổng Bí thư.
 
Hy vọng đó ngày càng được nhân lên, khi trên mạng internet xuất hiện các thông tin được coi là tuyệt mật được đưa ra, liên quan đến nhiều việc làm ăn của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình cùng với nhóm lợi ích đã có nhiều hành vi trục lợi. Đấy chính là lý do vì sao Hội nghị trung ương 6 - Khóa XI diễn ra tại Hà nội, từ ngày 2-15.10.2012 được dư luận quan tâm đặc biệt. Đa số những người quan tâm đều nghĩ rằng ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn sẽ mất chức do bị kỷ luật, điều mà trước đó Bộ Chính trị đã từng họp kín để kiểm điểm suốt 12 ngày và quyết định đưa vấn đề này ra Hội nghị toàn thể Trung ương 6 ra quyết định cuối cùng. Ngược lại hẳn với sự quan tâm của dư luận xã hội, các thông tin chính thống trong 12 ngày làm việc của Hội nghị Trung ương 6 được giữ kín tuyệt đối, không hề được lọt ra ngoài. Tất cả đều là ở dạng tin đồn không được kiểm chứng, được lưu truyền thay cho tin tức chính thống. Chỉ đến ngày 14.12.2012 mới có thông tin ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thoát nạn với đa số phiếu ủng hộ, nhưng cũng chỉ là tin đồn. Tin này khiến nhiều người không tin và cũng rất nhiều người không muốn tin đó là sự thật. Chỉ đến tối ngày 15.12.2012, qua màn ảnh truyền hình khi nghe ông Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vừa khóc, vừa đọc diễn văn bế mạc, thì lúc đó mọi người mới tin việc ông Thủ tướng thoát nạn là sự thật với số phiếu ủng hộ áp đảo 124/175.

Nhưng việc ông Nguyễn Tấn Dũng thoát nạn với đa số phiếu ủng hộ hình như chưa có hồi kết, nhưng các diễn biến thông qua các hoạt động của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong các cuộc tiếp xúc với cử tri tại Hà nội và Sài gòn ngay sau Hội nghị Trung ương 6. Đặc biệt  là việc tăng quyền cho Chủ tịch nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại Quốc hội đã tạo cho người ta cảm thấy cuộc chiến Ba - Tư sẽ còn tiếp diễn với những mà gay cấn. Nhưng nếu để ý từng câu, chữ trong các phát biểu của ông Trọng và ông Sang sẽ thấy quyền lực của ông Dũng còn rất mạnh, không dễ gì mà có thể làm gì nổi ông ta. Và những nhận định này ngày càng có vẻ chính xác khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 01.12.2012, khi bị một số cán bộ lão thành chất vấn tại một buổi tiếp xúc cử tri hai Quận Ba Đình và Hoàn Kiếm nhân kỳ họp Quốc hội bế mạc. Tai đây ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có giải thích về việc tại sao xây dựng chỉnh đốn Đảng cho đến nay vẫn chưa kỷ luật được bất cứ cán bộ nào có vi phạm. Theo ông Trọng thì việc phê bình và tự phê bình đối với cán bộ cao cấp được đặt ra theo Nghị quyết trung ương 4  chứ không nhằm để kỷ luật cán bộ. Mặc dù ông Trọng thừa nhận ông có biết tâm tư, tâm trạng chưa hài lòng, thậm chí bực bội của người dân, ông Trọng nói "người dân bảo thất bại rồi, không kỷ luật được ai cả, nhiều cụ nói rằng mất ngủ vì bực lắm, tại sao đến mức như vậy mà không kỷ luật được ai?". Là người đứng đầu cơ quan đảng với chức vụ cao nhất ở Việt nam, khi biết mà không làm được phải chăng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bất lực hay ông còn sợ điều gì?

Theo Thông tấn xã Việt Nam bình luận thì ông Trọng đã phân bua rằng "không phải kỷ luật nhiều mới là tốt, mới là đúng". Điều này có thể xem là lời giải thích của ông Trọng về việc Trung ương Đảng đi đến quyết định không kỷ luật đồng chí X tại hội nghị toàn thể lần thứ 6 vừa qua. Nhưng chưa hết, theo báo Tuổi trẻ thì ông Trọng nói rằng “Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ” và “Tôi nhiều lần nói rằng nghị quyết 4 trước hết là cảnh tỉnh, thức tỉnh lại những người lâu nay quên đi rồi, không thấy nguy cơ này, không thấy tại sao Liên Xô sụp đổ,”. Phải chăng đây là hai điều mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng và đảng CSVN nói chung rất sợ? Đó là sự sụp đổ của đảng và hiện tượng phe nhóm (mâu thuẫn) trong đảng CSVN hiện nay. Điều đáng nói ở đây, thứ nhất là ông Trọng đã thiếu ý thức thượng tôn pháp luật hay những vấn đề kỷ luật trong Điều lệ đảng. Nếu chỉ vì sợ ân oán, thù oán mà không dám kỷ luật một ai, cho dù họ vi phạm Điều lện đảng hay pháp luật thì hóa ra ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vô tình đã thừa nhận ở Việt nam họ không cai trị bằng pháp luật, họ dùng nhân trị thay cho pháp trị. Điều thứ 2 cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng có tư tưởng kìm hãm, khi chính bản thân ông xa rời lý luận của Chủ nghĩa Mark - Lenine, khi Lenine cho rằng "mâu thuẫn là động lực của sự phát triển, thủ tiêu mâu thuẫn chính là là thủ tiêu sự pháp triển".

Trong cuộc găp gỡ cử tri tại Hà nội ngày 01.12.2012, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều câu trả lời mang tính chất tránh né đối với sự truy vấn của các cử tri lão thanh cách mạng với câu hỏi yêu cầu tổng bí thư chỉ ra "một bộ phận không nhỏ suy thoái" mà bản thân ông từng ̣đề cập đang ở đâu? Ông Trọng nói đây là vấn đề "không đơn giản" và là một việc "khó và trừu tượng" v.v... và v.v... Nhưng quan trọng nhất là khi ông Tổng bí thư đã nhìn thấy các nguyên nhân là do “Không có người thẩm định, không có người kiểm tra nên mới dẫn đến những cái sai như vừa rồi,” và "đã sinh ra cơ quan quyền  lực thì phải có sự kiểm soát cái quyền lực ấy nếu không sẽ sinh ra tự tung tự tác" hay "Sự đời nó không đơn giản thế. Cứ nói cùng là đảng viên cả, cùng là ủy viên trung ương, Bộ Chính trị cả thì phải tin các đồng chí ấy chứ. Không có người thẩm định, không có người kiểm tra nên mới dẫn đến những cái sai như vừa rồi.". Tóm lại, nguyên nhân chính là do đảng CSVN và chính quyền của họ chưa tạo nên một có chế kiểm tra và điều chỉnh thích hợp để phù hợp với chế độ độc đảng lãnh đạo như ở Việt nam hiện nay.

Một câu hỏi xin được đặt ra là "Ai làm chủ nhà nước?", đảng CSVN hay nhân dân? Theo điều 2 Hiến pháp khẳng định nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân. Chứ không phải là nhà nước của đảng, do đảng và vì đảng như chúng ta đang thấy nó đã và đang diễn ra trái Hiến pháp và pháp luật quốc gia trong nhiều chục năm vừa qua. Đấy cũng chính là nút thắt của vấn đề cần phải được giải quyết. Quyền lực của nhân dân phải trả lại cho nhân dân với đúng quyền lực của người làm chủ đất nước, đảng không thể tự ý cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Lựa chọn ai, tổ chức chính trị nào lãnh đạo nhà nước, độc đảng hay đa đảng phải do người dân trực tiếp phúc quyết thông qua việc sửa đổi Hiến pháp. Quyết định của đa số sẽ là quyết định tối thượng, nên nhớ đảng CSVN chỉ là tập hợp của một nhóm người có chung tôn chỉ, mục đích và đường lối của riêng họ, không thể đại diện cho toàn bộ gần 90 triệu người Việt nam.

Sức mạnh của toàn dân là vô địch, nếu ai ý thức được điều đó và tôn trọng quyền làm chủ đất nước của quần chúng nhân dân sẽ phát huy được sức mạnh vô song đó. Người dân sẽ là tai mắt của chính quyền, mọi việc làm không minh bạch và vi phạm pháp luật của người lãnh đạo nhà nước sẽ không thoát khỏi sự giám sát của nhân dân. Và đặc biệt sự lựa chọn của người dân đối với các cá nhân và các chính đảng tốt làm vai trò lãnh đạo nhà nước là hết sức quan trọng. Đây là yếu tố quyết định để có thể bài trừ các yếu tố thiếu lành mạnh, trái pháp luật của một nhà nước mạnh và trong sạch, một xã hội phồn vinh và thịnh vượng. Điều mà đảng CSVN và chính quyền của họ đã lơ là và sao nhãng trong một thời gian quá dài.

Trong khi các quốc gia khác đang hướng tới các mục tiêu, hoài bão lớn lao của xã hội loài người, thì ở Việt nam người ta vẫn loay hoay trong cái mớ bòng bong tưởng chừng không có lối thoát. Một thể chế chính trị tự do, đa nguyên và dân chủ. Một nền kinh tế thị trường tự do và hoàn chỉnh. Một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự thực thụ. Ở đó quyền làm chủ của người dân được phát huy cao nhất, nhân phẩm và quyền con người được tôn trọng. Lộ trình phát triển để tiến tới văn minh và thịnh vượng của các quốc gia tất yếu là như thế, ai cũng biết. Cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các vị lãnh đạo đảng CSVN, các đảng viên đảng CSVN và đai đa số người dân đều hiểu và biết tất yếu phải như vậy. Như biết mà không chịu làm theo, còn bao biện cũng chỉ vì tư lợi cá nhân và lòng say mê quyền lực. Nên nhớ, trong một xã hội dân làm chủ, một khi quyền lực ở trong tay người dân thì không bao giờ có chuyện "ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái" như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lo sợ. Vì nhưng ai được dân tin tưởng sẽ là quan, khi dân không tin tưởng họ sẽ trở thành người công dân bình thường như muôn vạn những người khác. Ở đó sẽ không có chuyện thanh trừng, phe nhóm hay đấu đá nội bộ như thường thấy ở các nước theo chế độ độc đảng, độc tài.

Còn cứ loay hoay, luân quẩn như hiện tại không biết Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa nghị quyết TW 4 và đất nước đi về đâu?

Ngày 02.12.2012

© Kami
————————
Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
 

Bài bình luận

Đã đựoc gọi là Lú từ lâu lắm rồi , thì làm sao mà đưa đất nước đi đâu đựoc ? Từ sau hội nghị Thành Đô với Tầu , các lãnh đạo đảng cs VN đều phải lú hay đờ cả , Nông đức mạnh ngày xưa đựoc đưa lên TBT vì nổi tiếng " đần " , mà trong đảng gọi 1 cách nhẹ nhàng là " rất hiền lành ? ". Ông NH Quốc vừa viết 1 bài " làm lãnh đạo VN không đựoc giỏi " rất hay và đúng đắn . Tại sao lại thế ? " tớ ngu thì mới dễ sai khiến " , VN sẽ đi về đâu , để trả lời câu hỏi này thì phải hỏi Bắc Kinh mới biết đựoc (nếu họ thèm trả lời ) hỏi mấy ông lãnh đạo đảng cs VN thì cũng chả ông nào biết đựoc đâu .

Ông Kami rỏ là "đầu to mà óc bằng trái nho". Ông viết tràn giang, đại hải ,hỏi mấy chuyện trên trời chẳng ra ngô khoai gì cả. Một câu trả lời rỏ ràng trứơc mắt mà ông không đọc mà còn hỏi lung tung."Ông hỏi LHQ xem có bao nhiều quốc gia trên thế giới ,mà ở đó người ta giết nhau chỉ vì MỘT CON CHÓ" ? Đây là câu trả lời rỏ ràng mà ông không chịu đọc mà đi hỏi lung tung và viết tầm phào.

Tôi có một thắc mắc nho nhỏ: không biết Kami có còn quản lý trang tintuchangngay không ? vì sau khi bị hack tôi thấy trang này đổi màu (đổi lề)