You are here

Khi Trung quốc in đường 'lưỡi bò' trên hộ chiếu

 
 

Kami
-
Trong những ngày cuối tháng 11.2012, phía Trung Quốc đã có hành động "đáng xấu hổ" khi cho in hình đường chủ quyền (lưỡi bò), hay đường chín đoạn, thể hiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại phần lớn Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đã làm xấu đi tình hình tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia vốn đã căng thẳng ở Biển Đông. Được biết hình ảnh này được in mờ trên các trang số 8, 24 và 46 trong hộ chiếu điện tử mà Trung Quốc bắt đầu cấp cho công dân của họ từ tháng 5/2012.

Hành động này đã không chỉ khiến cho nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng của việc xâm phạm chủ quyền trong khu vực nói trên hết sức quan ngại và có các phản ứng mạnh mẽ . Mà nó còn khiến các quốc gia khác ngoài khu vực cũng phải đăt câu hỏi nghi ngờ, khi công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu in hình bản đồ có "đường lưỡi bò" chiếm phần lớn Biển Đông, nếu các nước sở tại đóng dấu xuất nhập cảnh thì có thể được xem là chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc hay không? Không chỉ có thế, mới nhất ngày 29.11.2012 theo tin tức báo chí cho biết Cảnh sát Hải Nam đã được trung ương trao quyền khám xét tàu thuyền đi vào vùng mà Trung Quốc coi là lãnh hải của họ ở Biển Đông. Trong bối cảnh sự căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, khi mà mỗi bên đều tự khẳng định chủ quyền của mình, dù là một phần hay toàn bộ thì những hành động nói trên của Trung quốc là hành động leo thang đáng lo ngại và có ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh trong khu vực. Tới mức ông Tổng thư k‎ý Asean Tiến sỹ Surin Pitsuwan đã lên tiếng cảnh báo tranh chấp tại Biển Đông có thể có rủi ro và trở thành “Palestine của châu Á”, có thể dẫn tới xung đột có bạo động gây bất ổn toàn vùng.
Thực ra, vấn đề đường chủ quyền (lưỡi bò) chín đoạn ở Biển Đông là vấn đề cũ, đã xuất hiện từ trong bản đồ do Trung Hoa dân quốc thời của Tưởng Giới Thạch đã đưa ra từ năm 1947. Đó là bản đồ nội bộ của Trung quốc đơn phương đưa ra, tấm bản đồ này không hề được công bố ra quốc tế nên về mặt luật pháp quốc tế thì nó hoàn toàn vô nghĩa. Chỉ đến năm 2009 thì Trung Quốc mới chính thức đưa nó trở thành yêu sách đường lưỡi bò của mình ra Liên Hiệp Quốc, bằng công hàm phản đối các hồ sơ thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia tháng 5 năm 2009 và đến lúc đó quốc tế mới coi đó là cơ sở xem xét và quan tâm. Tuy nhiên, việc phía Trung quốc cho in hình bản đồ có hình lưỡi bò trên hộ chiếu điện tử là một hành động có ý đồ xấu phục vụ cho chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Hành động này được xem là nằm trong chiến dịch tuyên truyền biến không thành có trong vấn đề bành trướng lãnh thổ, nhưng tầm lợi hại của nó về mặt pháp lý trong tương lai gần không thể xem thường hoặc bỏ qua. Bởi theo các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, chủ ý các việc tạo căng thẳng về lãnh thổ của Trung Quốc trong thời gian gần đây với các quốc gia láng giềng là cố tạo một ấn tượng có tranh chấp ở một vùng không tranh chấp để rồi tiến tới quốc tế hóa vấn đề tranh chấp.
Vấn đề phía Trung Quốc cho in hình đường chủ quyền (lưỡi bò) chín đoạn ở Biển Đông lên hộ chiếu cũng vậy, có thể phía Trung quốc cũng đã tính toán và định lợi dụng việc nếu các nước khác đóng dấu cho nhập cảnh một cách bình thường, như không có việc gì xảy ra đối với các công dân Trung Quốc mang hộ chiếu này. Từ đó có thể suy diễn rằng các nước nói trên mặc nhiên chấp nhận tuyên bố đơn phương này từ phía Trung quốc, nguy hiểm hơn trên thực tế, bắt đầu từ tháng 5/2012 cho tới nay Trung Quốc đã in và cấp phát khoảng 6 triệu hộ chiếu điện tử có in hình bản đồ với đường chủ quyền 9 điểm (đường lưỡi bò), bao trùm toàn bộ Biển Đông. Cần phải hiểu đây là bước chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho một phiên tòa quốc tế phân xử tranh chấp trong tương lai (nếu có) của phía Trung quốc, và họ sẽ dùng nó để tạo ra một cái bẫy nhằm tới các nước liên quan trong tranh chấp lãnh thổ. Nên nhớ, chuyện hộ chiếu lưỡi bò là chiến thuật giương bẫy của Trung quốc ở Biển Đông, cái bẫy đó chính là phản ứng của các quốc gia có tranh chấp, có hay không chứ hoàn toàn không liên quan đến mức độ phản ứng ra sao. Hơn nữa việc in và cấp phát khoảng 6 triệu hộ chiếu điện tử có in hình bản đồ với đường đường lưỡi bò là một loại thủ đoạn mềm, trước khi việc sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp trong chính sách 'mềm nắn, rắn sẽ buông" của nhà cầm quyền Trung quốc.
Do vậy hành động của phía Việt Nam, khi cho Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc phải thu hồi các hộ chiếu mới hay việc đóng dấu "hủy" lên các hộ chiếu này ở các trạm biên phòng cửa khẩu là hành động cần thiết. Nó cũng tương tự như hành động của giới chức Philippines, khi cũng quyết định không đóng dấu chứng thực nhập cảnh lên hộ chiếu có đường 'lưỡi bò' của Trung Quốc và dùng tờ thị thực rời. Mặc dù hành động đáp trả của Việt nam hay Philippines không mạnh bằng phản ứng mang tính dữ dội kiểu ăn miếng trả miếng của phía Ấn Độ, khi cho đóng dấu in hình bản đồ Ấn Độ lên các tấm hộ chiếu này, trong đó các vùng tranh chấp thì thuộc về Ấn Độ. Nếu theo dõi việc tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia trong lịch sử, một khi vấn đề tranh chấp được đưa ra một phiên tòa quốc tế để phân xử, thì hành vi hành xử chủ quyền của quốc gia luôn là một bằng chứng quan trọng và thuyết phục nhất chứng minh quốc gia này có chủ quyền tại vùng lãnh thổ đang có tranh chấp. Đây là một điều hết sức quan trọng mà các nhà lãnh đạo cần lưu ý và không thể bỏ qua, có nghĩa là dẫu mức độ phản ứng dù có khác nhau nhưng tất cả đều là hành động cần thiết bắt buộc phải có, chứ tuyệt đối không được im lặng. Vì nếu hành động im lặng của quốc gia chủ nhà mặc nhiên sẽ bị coi là sự đồng thuận hay chấp nhận các hành vi sai trái của nước vi phạm ở các vụ tranh chấp quốc tế.
Tuy nhiên, về mặt đối ngoại dù các bên có dùng bất cứ thủ đoạn gì đi chăng nữa thì cũng không quan trọng bằng việc chính quyền các quốc gia khẳng định, giáo dục và tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ của đất nước mình. Cứ xem bài học biến không thành có, bằng cách tuyên truyền nói dối trong một thời gian dài nhiều chục năm của Trung quốc đã khiến cho toàn bộ người dân Trung quốc đã tin và luôn khẳng định tin tưởng chắc chắn rằng Tam Sa và Nam Hải (Biển Đông) là của họ không có gì bàn cãi là một bài học vô cùng đắt giá. Trong lúc đó, một thời gian dài vừa qua các nhà lãnh đạo Việt nam hầu như đã bỏ quên nhiệm vụ tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ của Việt nam trên Biển Đông, không những thế họ đã hết sức dè dặt và tránh né khi khẳng đình chủ quyền lãnh thổ của đất nước mình. Và tệ hơn khi các nhà lãnh đạo Việt nam lại coi việc khẳng định chủ quyền quốc gia là chuyện nhạy cảm và là độc quyền của riêng họ, là việc của nhà nước sẽ lo, người dân không có quyền và trách nhiệm để tham gia trong vấn đề này. Đó chính là lý do vì sao các cuộc biểu tình chống Trung quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của đất nước nhiều khi bị đàn áp một cách vô lý. Phải chăng vì họ cố ý làm như vậy để biểu thị sự đồng thuận với Trung quốc trong vấn đề lãnh thổ? Đây là những hành động rất nguy hiểm sẽ gây bất lợi cho phía Việt nam trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, một khi vụ việc được đưa ra giải quyết tranh chấp ở tòa án quốc tế trong tương lai.
Rất may các hành động leo thang không ngừng của chính quyền Trung quốc về chủ quyền trên Biển Đông đã gặp phải phản ứng kiên quyết của phía Việt nam, thông qua quyết định không đóng bất cứ con dấu nào của Việt Nam trên hộ chiếu Trung Quốc có in bản đồ hình lưỡi bò là một quyết định chính thức của chính phủ. Như lời của Bộ trưởng Vũ Đức Đam Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ , trong cuộc họp báo thường kỳ chính phủ ở Hà Nội ngày 2.11.2012 vừa qua, cộng với các phản ứng khác trên hệ thống truyền thông của nhà nước là những thông điệp phản ứng hết sức mạnh mẽ đáng hoan nghênh. Tuy nhiên chỉ dựa vào các phản ứng của chính quyền nhà nước không thôi thì chưa đủ, mà việc huy động và tập hợp lòng yêu nước của quần chúng nhân dân trong lúc này là hết sức cần thiết và quan trọng. Đó là bước khởi đầu để đặt vấn đề cho một Hội nghị Diên Hồng về vấn đề Biển Đông trong một tương lai rất gần, là một việc làm cần phải có. Vì ở hội nghị Diên Hồng đó không chỉ để biểu thị sức mạnh đồng thuận mà còn là diễn đàn dành cho việc hòa hợp và hòa giải dân tộc. Nhằm hàn gắn các vết thương hàng chục năm vẫn chưa lành, để tạo nên một khối sức mạnh đoàn kết dân tộc thống nhất.
Sự kiện trong hộ chiếu Trung Quốc có in bản đồ hình lưỡi bò vừa qua cho thấy sự thất bại của chính sách đối ngoại cúi đầu hòa hiếu với Trung quốc theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt của chính quyền Việt nam trong một thời gian quá dài. Nên nhớ, người Việt nam có câu "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong" là như thế. Chính quyền nào muốn mạnh, muốn tốt thì phải biết dựa vào dân. Nếu chính quyền chỉ biết cúi đầu dựa vào ngoại bang vì cho rằng đất nước của mình nhỏ, sức yếu để duy trì sự tồn tại thì sớm hay muộn cũng sẽ bị tiêu diệt và để tiếng xấu ngàn đời như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đã lưu truyền trong sách sử.
Ngày 02.12.2012
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

Bài bình luận

Đài RFA vẫn còn để tên gián điệp mạng này lên tiếng nữa à? Chẳng lẽ người dân Mỹ đóng thuế để nuôi bọn này nữa sao? Đài đã quá coi thường công luận, khi diễn đàn mạng đưa các bằng chứng về chuyện Kami là an ninh mạng, và cả chuyện 1 tên phóng viên của đài móc nối Kami, dường như đài không đọc tin tức trên mạng? Nếu có đọc, đài trả lời sao về chuyện này?

Người dân Mỹ đóng thuế cho chính phủ để thực thi nền tảng tự do của nước Mỹ , trong đó có tự do ngôn luận và tư tưởng . Những người hay nhắc nhở , làm nhảm về sự đóng thuế thường là người không hay rất ít đóng thuế ! Kết án 1 người thế này thế nọ là 1 điều rất quan trọng , theo luật pháp Mỹ có thể bị đưa ra tòa khởi tố ,nếu không đủ chứng cớ biện minh cho sự " gắn tên " đấy . Tôi cũng đồng ý kiến với 1 đọc giả lúc trước đã có ý kiến : " Không cần biết Kami có phải CAM hay không , điều quan trọng nhất là nội dung của bài viết của Kami , luôn đứng về phía người dân nghèo khổ là điều tốt , nếu cs VN có chừng chục CAM thế này thì ngày tàn của chúng càng gần ...."

Những bài viết của Kami thường hay và sắc bén ,không tào lao như "quan lam báo". Còn Kami là CAM hay gì đó không quan trọng. Thử hỏi nếu các "cán bộ" của quan làm báo lên nắm quyền tại VN thì như thế nào? có lẽ tệ mạc hơn 3D